Với mục tiêu tăng nhanh độ bao phủ BHXH, thời gian qua, ngành BHXH đã triển khai nhiều giải pháp thu hút người lao động tham gia BHXH. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức hiện tăng rất chậm. Đến thời điểm này, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 240 nghìn người lên 280 nghìn người...
BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để hưởng các chế độ theo quy định. Người dân tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu theo quy định; được trợ cấp một lần và tử tuất; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, loại hình bảo hiểm này có nhiều ưu việt trong việc giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động.
Lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện thì đã rõ, tuy nhiên, thực tế số người lao động tự do, người dân khu vực nông thôn tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, cả nước có hơn 50 triệu người thuộc độ tuổi lao động, trong đó chỉ có gần 15 triệu người tham gia chính sách BHXH và phần lớn thuộc nhóm có quan hệ lao động. Xét về mặt tổng số, lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều có xu hướng tăng. Trong đó, khoảng 60% lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn nơi có nhiều làng nghề truyền thống và các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác.
Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và cộng đồng cho biết, hầu hết lao động phi chính thức không có BHXH, chiếm tới gần 98%. Chỉ 0,2% số lao động trong nhóm này được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,8% đóng BHXH tự nguyện. Thực tế, rất ít người lao động tự do biết đến loại hình BHXH tự nguyện và nếu biết cũng chưa thực sự quan tâm.
Hiện tại, có gần 40.000 đại lý thu trên toàn quốc, hầu hết ở các thôn, xã nhưng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn hạn chế. Hầu hết hiện nay là những đối tượng người lao động đã tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy có thể thấy, những nỗ lực để đưa chính sách BHXH đến khu vực phi chính thức chưa được như mong muốn. Nhiều người lao động chưa có thói quen tham gia BHXH lúc còn trẻ để hưởng lương hưu khi về già. Bên cạnh đó, những người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở địa phương chủ yếu trong khu vực phi chính thức với đặc thù lao động tự do, thu nhập bấp bênh và không bền vững.
Các chuyên gia cho rằng, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện còn ít một phần là do người dân chưa hiểu được hết lợi ích của chính sách, một phần cũng có nguyên nhân từ chính sách. Vì vậy, phải làm sao để người dân hiểu được lợi ích và tăng được sức hấp dẫn của chính sách thì mới có thể đạt mục tiêu tăng độ bao phủ BHXH. Một trong những giải pháp là giao chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện về các địa phương để tăng độ bao phủ BHXH. Tăng cường tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện.
Mặt khác, BHXH các cấp cũng tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng của đội ngũ đại lý thu BHXH ở các xã, phường, thị trấn, hội nông dân, ngành bưu điện...; trọng tâm là kỹ năng tiếp xúc, tuyên truyền, giới thiệu chính sách BHXH, thuyết phục người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Người từ 15 tuổi trở lên và không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Số phải đóng = Mức thu nhập x 22% (có nhiều mức đóng theo khả năng thu nhập). Trong đó, mức đóng được ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau:
Diện hộ nghèo: Ngân sách hỗ trợ 30% của 22% mức thu nhập hàng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện.
Hộ cận nghèo: Ngân sách hỗ trợ 25% của 22% mức thu nhập hàng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện.
Các đối tượng khác: Ngân sách hỗ trợ 10% của 22% mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
Riêng người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vượt chuẩn nghèo được hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện như chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, thời gian hỗ trợ là 12 tháng kể từ ngày địa phương xác nhận hộ vượt chuẩn. Sau 12 tháng, người tham gia được hỗ trợ như các đối tượng khác, thời gian hỗ trợ được tính tiếp theo thời gian đã được hỗ trợ diện hộ vượt chuẩn và tổng thời gian hỗ trợ không quá 10 năm (120 tháng).
Hình thức đóng: Theo tháng, quý, năm và đóng cho những năm còn thiếu...