Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chế độ hưu trí thế nào?

20-04-2015 15:22 | Tin nóng y tế
google news

Tôi đã đóng bảo hiểm xã hội tại các cơ quan được 17 năm 7 tháng. Tháng 6/2012 tôi nghỉ việc và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đến hết tháng 3/2015, tôi đã tham gia bảo hiểm xã hội tổng cộng được 20 năm 1 tháng. Tôi muốn chốt sổ hưởng lương hưu có được hay không? Thủ tục thế nào? Mức hưởng ra sao? Có phải chờ không? Nếu phải chờ, thời gian chờ là bao lâu?

Nếu không được hưởng lương hưu, chế độ tôi được hưởng thế nào?

Luật sư tư vấn:

Theo thông tin bạn cung cấp, hiện tại, bạn đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, do đó, cần áp dụng theo quy định về chế độ hưu trí thuộc mục 1 chương IV về Bảo hiểm xã hội tự nguyện của Luật Bảo hiểm xã hội 2006.

Khoản 1 Điều 79 Luật Bảo hiểm xã hội 2006, người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sau đó đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được cộng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Do đó, khoảng thời gian 20 năm 1 tháng tham gia bảo hiểm xã hội bao gồm cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện của bạn, được tính để hưởng chế độ hưu trí.

Đóng bảo hiểm, lương hưu, Nghị định, người lao động
Lương hưu giúp người già sống vui, sống khỏe (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, căn cứ Khoản 1 Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2006, bạn chỉ được hưởng chế độ hưu trí khi đáp ứng đủ 2 điều kiện sau đây:

1) Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi;

2) Đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

Khoản 1 Điều 9 Nghị định 190/2007/NĐ-CP quy định cụ thể Điều 70 Luật BHXH 2006 như sau:

“1. Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà trước đó đã có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì được hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 hoặc khoản 2 Điều 29 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2007.

Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà trước đó đã có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, được hưởng lương hưu với mức thấp hơn khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 27 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 hoặc Điều 30 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2007.”

Theo thông tin bạn cung cấp, hiện nay bạn 53 tuổi, bạn không nêu rõ bạn là nam hay nữ, tuy nhiên độ tuổi trên và bạn không đáp ứng được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 190/2007/NĐ-CP do vậy bạn chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Để hưởng chế độ hưu trí, bạn chọn 1 trong hai cách thức sau:

1/ Tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đến khi đủ tuổi hưởng lương hưu;

2/ Dừng đóng BHXH tự nguyện và bảo lưu thời gian đóng BHXH theo điều 75 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 cho đến khi đủ tuổi hưởng lương hưu, cụ thể: “Người lao động dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 70 hoặc chưa nhận bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 73 và Điều 74 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội”.

Theo Luật sư Phạm Thị Bích Hảo,

Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội (Viet Nam Net)

 


Ý kiến của bạn