Thăm EU, Trung Quốc giữ thái độ trung lập về Ukraine

25-03-2014 01:43 | Quốc tế

SKĐS - Trong lúc EU đang chới với về vấn đề Ukraine thì Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du châu Âu.

Trong lúc EU đang chới với về vấn đề Ukraine thì Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du châu Âu. Mỹ chống lưng cho EU là việc đương nhiên. Nhưng thái độ của Trung Quốc ra sao là điều dư luận hết sức quan tâm.

Theo các nhà quan sát, chắc chắn Trung Quốc sẽ giữ thái độ trung lập về vấn đề Ukraine vì hiện quan hệ Nga - Trung đang ấm trở lại. Trong cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Olympic Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: “Quan hệ song phương giữa chúng tôi (Nga và Trung Quốc) đang ngày càng trở nên tốt hơn, mặc dù có vẻ mọi thứ đã tốt tới độ gần như không còn gì phải cải thiện nữa”. Ông Putin cho rằng chuyến thăm này của ông Tập Cận Bình là “chuyến thăm của những người bạn tốt”... Các nhà phân tích phương Tây cho rằng, trong sức mạnh của Putin còn có nguyên nhân “sự ủng hộ của Trung Quốc và Ấn Độ”. Trong bài phát biểu ngày 18 tháng 3, Putin cho biết: “Chúng tôi cảm ơn nhân dân Trung Quốc, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận vấn đề Crimea là xuất phát từ góc độ toàn bộ hiện trạng chính trị và lịch sử. Chúng tôi rất ca ngợi lập trường khách quan của Ấn Độ đối với vấn đề này”. Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc cũng chỉ lên tiếng là muốn làm trung gian hòa giải. Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố, Moscow-Bắc Kinh có chung quan điểm về vấn đề này. People Daily - tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có bài viết chỉ trích phương Tây duy trì “tâm lý Chiến tranh lạnh” đối với Nga trong cuộc đua giành ảnh hưởng với Ukraine, đồng thời kêu gọi xóa bỏ tư duy lỗi thời như vậy để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Kiev và kêu gọi “không can thiệp” vào công việc nội bộ các nước khác.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Hà Lan.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Hà Lan.

Ông Kenneth Lieberthal - một chuyên gia về Trung Quốc kiêm thành viên cao cấp tại Viện Brookings ở Washington nhận định: Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 tác động tiêu cực đến Trung Quốc, thu hẹp thị trường xuất khẩu của nước này. Nhưng cuộc đối đầu giữa Nga với EU và Mỹ trong vấn đề Ukraine có thể tạo thuận lợi lớn cho Trung Quốc tiếp tục kéo dài thời cơ chiến lược, vừa phát triển kinh tế, ổn định nội bộ, vừa mở rộng bành trướng và thực hiện bá quyền nước lớn tại châu Á. Nga là đối tác chiến lược toàn diện mà Trung Quốc cần tranh thủ lôi kéo. Trong trường hợp phương Tây cấm vận, Nga sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa và thị trường Trung Quốc.

Nhưng với EU, Bắc Kinh cũng giữ thái độ trung lập bởi Trung Quốc có nhiều quyền lợi ở Ukraine và phương Tây. Vì vậy, Trung Quốc lợi dụng mâu thuẫn các bên để theo đuổi các mục tiêu chính trị, kinh tế của mình. Mặt khác, xung đột Nga - EU sẽ là cơ hội để Trung Quốc tranh thủ đẩy mạnh hợp tác kinh tế với châu Âu. Sức ép trừng phạt Nga càng được đẩy lên cao thì mối quan hệ Moscow - Bắc Kinh thêm khăng khít. Với những lý do như vậy, rõ ràng Trung Quốc chẳng dại gì nghiêng về phe nào để mất đi quyền lợi của mình.

Trong chuyến công du EU lần này, Trung Quốc không thể né tránh vấn đề Ukraine, nhưng đây không phải mục tiêu chuyến thăm. Vì vậy, Crimea vẫn sẽ là trọng tâm chủ đề bàn thảo, nhưng chắc chắn Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ khôn khéo để hòa giải căng thẳng đôi bên bởi đây là chuyến công du với mục tiêu về hợp tác đa dạng EU-Trung Quốc và đây cũng là lần đầu tiên một nguyên thủ Trung Quốc thăm chính thức Hà Lan.

Theo Liberation Daily, chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ “đem đến năng lượng mới” cho quan hệ giữa Bắc Kinh và châu Âu với một loạt hiệp định hợp tác sẽ được ký kết trong các lĩnh vực chế tạo, năng lượng và trao đổi văn hóa. Trước thềm chuyến thăm này, cổng thông tin chính thức của Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi “hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau” giữa châu Âu và Trung Quốc. Một phái đoàn gồm đại diện 200 doanh nghiệp tháp tùng ông Tập trong chuyến đi được trông đợi trọng tâm về thương mại mà có thể gồm cả một đơn đặt hàng 150 máy bay Airbus.

Hà Lan được mệnh danh là một “Trung Quốc tại châu Âu” do hiện hữu nhiều dấu ấn văn hóa Trung Hoa và là “cửa ngõ vào châu Âu” của Trung Quốc. Thương mại song phương giữa 2 nước năm 2013 đạt 70 tỷ USD, trong 11 năm liền chiếm vị trí thứ hai sau Ðức. Ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Hà Lan là đối tác hợp tác quan trọng của Trung Quốc tại châu Âu”. Hà Lan sẽ nhân dịp này làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, tối đa hóa lợi ích quốc gia của mình vào lúc các nước lớn đang bận rộn thiết kế các cuộc tập hợp lực lượng mới “hậu Crimea”.

(Theo Chinadaily, CNN, Pravda)

Lê Sơn

 


Ý kiến của bạn