Nhưng có một số bước thực tế - và truyền thống - mà ông sẽ phải trải qua để lên ngôi Vua.
Một trong những hành động đầu tiên của ông sẽ là quyết định có nên trị vì với tư cách là Vua Charles hay lấy một tên khác.
Và ông sẽ có vương hiệu Charles III dù có thể chọn bất kỳ tên nào trong số bốn tên và tên đệm của mình - Charles Philip Arthur George.
Dù là người thừa kế ngai vàng nhưng Hoàng tử William, con trai ông Charles, sẽ không nghiễm nhiên kế thừa danh hiệu của cha, gọi là Hoàng tử xứ Wales.
Tuy nhiên, Hoàng tử William ngay lập tức kế thừa tước hiệu khác của cha mình, Công tước xứ Cornwall. Vợ của Hoàng tử William, Catherine sẽ được gọi là Nữ công tước xứ Cornwall.
Nghi lễ trang trọng
Trong khoảng 24 giờ đầu tiên sau khi mẹ qua đời, Thái tử Charles sẽ chính thức được phong làm Vua.
Điều này diễn ra tại Cung điện St James ở London, trước một cơ quan nghi lễ được gọi là Hội đồng Đăng cơ.
Tổ chức này bao gồm các thành viên của Hội đồng Cơ mật - một nhóm các nghị sĩ cấp cao, trong quá khứ và hiện tại, và nhiều nhân vật lớn khác.
Tại cuộc họp này, cái chết của Nữ hoàng Elizabeth sẽ được Chủ tịch Hội đồng Cơ mật (hiện là nghị sĩ Penny Mordaunt) công bố, và một bản tuyên ngôn sẽ được đọc.
Ngôn từ của tuyên ngôn có thể thay đổi, nhưng theo truyền thống, đây là một loạt các lời cầu nguyện và cam kết, khen ngợi vị quân vương trước đó và cam kết ủng hộ vị vua mới.
Tuyên bố này sau đó được ký bởi một số nhân vật cao cấp bao gồm thủ tướng, Tổng giám mục Canterbury.
Tuyên bố đầu tiên của nhà vua
Hội đồng Đăng cơ họp lại - thường là một ngày sau đó - và lần này, Nhà vua sẽ tham dự, cùng với Hội đồng Cơ mật.
Không có "tuyên thệ" khi bắt đầu triều đại của một quốc vương Anh. Nhưng có một tuyên bố của Nhà vua mới.
Và một tuyên bố công khai sẽ được thực hiện, tuyên bố Thái tử Charles là Vua mới.
Tân vương sẽ tuyên bố "Thượng đế hãy phù hộ cho Quân vương".
Tiếng súng chào mừng sẽ được bắn ở Công viên Hyde, Tháp London và từ các tàu hải quân, và tuyên ngôn công bố Thái tử Charles là Vua sẽ được đọc tại Edinburgh, Cardiff và Belfast.
Lễ đăng quang
Vì cần có sự chuẩn bị, lễ đăng quang có khả năng không diễn ra sớm sau khi Thái tử Charles lên ngôi.
Nữ hoàng Elizabeth kế vị ngai vàng vào tháng 2 năm 1952, nhưng đến tháng 6 năm 1953 mới đăng quang.
Trong 900 năm qua, lễ đăng quang đã được tổ chức tại Tu viện Westminster - William người Chinh phục (William the Conqueror, gốc Pháp) là quốc vương Anh đầu tiên được trao vương miện ở đó, và Thái tử Charles sẽ là người thứ 40.
Đây là một buổi lễ của Anh giáo, được cử hành bởi Tổng giám mục Canterbury, vị giáo chủ Anh giáo.
Ở phần cao điểm của buổi lễ, Ngài sẽ đặt Vương miện lên đầu Charles - một chiếc vương miện bằng vàng nguyên khối, có niên đại từ năm 1661.
Không giống như đám cưới hoàng gia, lễ đăng quang là một sự kiện của nhà nước - chính phủ chi trả cho buổi này, và thậm chí quyết định danh sách khách mời.
Người đứng đầu Khối thịnh vượng chung
Tân vương trở thành người đứng đầu Khối thịnh vượng chung, một hiệp hội gồm 56 quốc gia độc lập và 2,4 tỷ dân.
Đối với 14 quốc gia trong số này, cũng như Vương quốc Anh, Nhà vua là nguyên thủ quốc gia.
Các quốc gia này, được gọi là Vương quốc thịnh vượng chung, gồm có Úc, Antigua và Barbuda, Bahamas, Belize, Canada, Grenada, Jamaica, Papua New Guinea, St Christopher và Nevis, St Lucia, St Vincent và Grenadines, New Zealand, Quần đảo Solomon, và Tuvalu.