Mới đây, Thái Trinh - nữ ca sĩ trưởng thành từ cuộc thi Giọng hát Việt bức xúc đăng một bức tâm thư dài trên trang Facebook cá nhân, kể lại tình huống bị sàm sỡ bằng lời nói khi tham gia ghi hình cho một gameshow. Trong phần chơi bấm chuông nhanh, thấy nữ ca sĩ có thao tác bấm chuông nhanh gọn, một nhân viên quay phim buông lời châm biếm: “Tay bấm chuông nhanh thế này chắc quen cầm c*** nhiều rồi”. Lời lẽ này khiến Thái Trinh vô cùng bức xúc, cho rằng nam nhân viên quay phim đang quấy rối mình.
Thái Trinh bức xúc đăng một bức tâm thư dài trên trang Facebook cá nhân, kể lại tình huống bị sàm sỡ bằng lời nói khi tham gia ghi hình cho một gameshow
Sự việc này sau đó đã làm “dậy sóng” mạng. Nhiều người ủng hộ Thái Trinh vì cô không né tránh hay chọn cách im lặng trước hành vi quấy rối. Cũng có không ít ý kiến cho rằng, việc người khác “sàm sỡ bằng lời nói” có gì đâu mà nữ ca sĩ làm như cháy nhà. Thậm chí có người bình luận Thái Trinh đang cố gắng để “nổi” hơn trong showbiz.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thuý, tác giả cuốn sách “Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con”, nếu như những gì nữ ca sĩ Thái Trinh chia sẻ trên trang cá nhân là sự thật thì cô ấy đã bị quấy rối tình dục bằng lời nói. Bởi theo Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), có 5 hành vi báo động về kẻ xâm hại tình dục gồm: báo động nhìn, báo động nói, báo động sờ chạm, báo động ôm và báo động một mình. Việc có những lời lẽ tục tĩu khi nói chuyện được xem là một hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói.
Bên cạnh đó, Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn điều kiện lao động và quan hệ lao động, có hiệu lực từ ngày 1-2-2021, Điều 84 đã quy định: “Quấy rối tình dục bao gồm hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; Quấy rối tình dục bằng lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục; Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể, trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử”.
Dư luận từng xôn xao khi người mẫu Phạm Lịch tố cáo rocker Phạm Anh Khoa quấy rối tình dục
Thực tế cho thấy, showbiz Việt đã có nhiều sự việc nghệ sĩ bị quấy rối tình dục làm dư luận dậy sóng. Người mẫu Phạm Lịch từng tố cáo rocker Phạm Anh Khoa quấy rối tình dục, “anh đã khám phá sờ soạng hết cơ thể em” và nhiều lời lẽ tục tĩu khác. Sau thời gian im lặng khá lâu, nam ca sĩ đã tổ chức buổi gặp gỡ với báo chí, thừa nhận hành vi của mình với Phạm Lịch và xin lỗi nữ người mẫu. Hoặc người đẹp Vũ Thu Phương từng chia sẻ về việc bị “ông trùm” Harvey Weinstein gạ gẫm “dạy đóng cảnh nóng” tại phòng riêng khách sạn khi cô sang Los Angeles ra mắt phim Shanghai (Thượng Hải) năm 2008.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, muốn tránh trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục thì những cô gái trẻ, đặc biệt những người muốn dấn thân showbiz phải rèn luyện bản lĩnh, sự tự lập, tâm lý vững vàng. Khi biết đối tượng có tai tiếng về quấy rối tình dục thì phải tránh xa. Cũng tránh cử chỉ, ngôn ngữ giao tiếp dễ gây hiểu lầm, tránh nơi gặp gỡ riêng tư, nhạy cảm, dễ nảy sinh hành vi xấu... Điều quan trọng nữa là, các nghệ sĩ trẻ hãy rèn luyện chăm chỉ, tìm kiếm thành công bằng chính thực lực của mình, tránh đi đường tắt... để tránh những vụ việc đáng tiếc.