Thai phụ viêm gan B, cần lưu ý gì?

13-03-2017 14:05 | Đời sống
google news

SKĐS - Cháu 30 tuổi, bị nhiễm bệnh viêm gan B đã 10 năm rồi, con cháu sinh ra không được tiêm vắc-xin ngay mà sáng hôm sau mới được tiêm.

Cháu 30 tuổi, bị nhiễm bệnh viêm gan B đã 10 năm rồi, con cháu sinh ra không được tiêm vắc-xin ngay mà sáng hôm sau mới được tiêm. Vậy xin hỏi bác sĩ cháu có nên cho con bú sữa mẹ không? Nguy hiểm thế nào? Cháu rất lo lắng!

Nguyễn Ánh Hồng (honganh@gmail.com)

Bệnh viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virut viêm gan B gây ra. Tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm virut viêm gan B cũng cao tới 10-13%, lây từ mẹ sang con là 44,7%. Đường lây chủ yếu là trong khi sinh và sữa mẹ, chỉ có 3% lây qua nhau thai. Người mẹ có thể nhiễm virut viêm gan B trước khi mang thai hoặc trong khi mang thai nhưng phần lớn là nhiễm từ trước. Virut không gây ảnh hưởng xấu cho tiến trình mang thai cũng như cho bào thai, thai vẫn phát triển tốt. Điều quan trọng là nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi, nếu trẻ không được bảo vệ ngay sau khi sinh.

Theo khuyến cáo thì tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ sau khi sinh là cách tốt nhất phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng sức khỏe của bé sau sinh mà có thể tiêm ngay hoặc chậm hơn mà bác sĩ thăm khám và chỉ định cụ thể.

Khi mẹ bị viêm gan virut B vẫn có thể cho con bú được, với điều kiện ngay sau sinh trẻ phải được tiêm huyết thanh đặc hiệu chống viêm gan virut B để bảo vệ, sau đó tiêm vắc-xin chống viêm gan B theo lịch (3 mũi: 24 giờ sau sinh, mũi 2 sau mũi thứ nhất 1 tháng (tháng thứ 2 sau sinh) và mũi 3 sau mũi thứ 2 một tháng (vào tháng thứ 3 sau sinh). Chú ý nếu đầu vú bị xước hoặc trẻ bị tưa miệng là yếu tố nguy cơ dễ lây nhiễm nên phải điều trị ngay.



BS. Kim Oanh
Ý kiến của bạn