Hà Nội

Thai phụ bị sốt sau tiêm vaccine COVID-19 có nên dùng thuốc?

15-09-2021 17:48 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Phản ứng sốt sau tiêm vaccine COVID-19 khiến các thai phụ lo lắng. Vậy xử lý phản ứng sốt sau tiêm ở thai phụ như thế nào? PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW đã có những giải đáp cụ thể.

Thai phụ sốt sau tiêm vaccine COVID-19 có nên dùng thuốc hay không? - Ảnh 1.

Một số địa phương ở Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai... đang triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho thai phụ được 13 tuần thai trở lên. Tại Bệnh viện Phụ sản TW cũng đang tiến hành tiêm cho thai phụ đăng ký.

Trò chuyện với nhiều thai phụ đang chờ tiêm vaccine COVID-19 cho thấy, phản ứng sau tiêm mà thai phụ sợ nhất là sốt, đây cũng là phản ứng thường gặp sau tiêm vacine COVID-19.

"Khi bị sốt sau tiêm, các thai phụ cần bình tĩnh xử lý, dùng các thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol (ít ảnh hưởng nhất đến thai) theo liều lượng khuyến cáo.

Khi sốt trên 38 độ, buộc phải hạ sốt. Các thuốc hạ sốt này là an toàn với thai nhi, đừng vì lo ngại không dùng thuốc khi sốt sẽ rất nguy hiểm"- PGS.TS Trần Danh Cường nói.

Thai phụ sau tiêm vaccine COVID-19 bị sốt có nên dùng thuốc hay không? - Ảnh 1.

Tiêm vaccine COVID-19 cho thai phụ tại Bệnh viện Phụ sản TW.

Phân tích lý do, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW cho biết, ở phụ nữ mang thai, bất kể do nguyên nhân gì, sốt trên 38 độ là phải tìm cách hạ sốt. Vì nếu sốt quá cao hay sốt kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, nên buộc hạ sốt, không để tình trạng sốt kéo dài.

Ngoài ra, để giảm nguy cơ sốt sau tiêm vaccine COVID-19, khi đi tiêm về, các thai phụ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước (nước dừa, nước trái cây, ăn nhiều đồ loãng như cháo, sữa), theo dõi thân nhiệt. Nếu thấy sốt thì uống thuốc hạ sốt, nằm phòng mát, chườm nước ấm. Trong thời gian sốt tiếp tục uống nhiều nước sẽ giúp hạ sốt.

Trong tình huống đã uống thuốc, uống nhiều nước, chườm... vẫn không thể hạ sốt, sốt cao thai phụ cần đến cơ sở y tế.

Theo PGS.TS Trần Danh Cường, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy phụ nữ có thai, không có thai và những người bình thường có nguy cơ mắc COVID-19 là như nhau. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai lại là đối tượng dễ bị biễn biến nặng khi mắc COVID-19 bởi trong quá trình mang thai, phụ nữ cũng có tình trạng suy giảm miễn dịch nhất định.

Tiếp đến, bản thân phụ nữ trong quá trình mang thai sẽ có tình trạng giữ nước trong cơ thể, có hiện tượng phù, phù niêm mạc đường hô hấp trên, dẫn đến tổn thương đường hô hấp trên dễ dàng. Vì thế khi mắc COVID-19 nguy cơ thể nặng tăng nhanh.

"Ngoài ra, nếu phụ nữ mang thai có bệnh nền hoặc các bệnh như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, béo phì, bệnh mạn tính ở phổi… hoặc trên 35 tuổi mới mang thai… sẽ khiến dễ gây ra biến chứng trong thai kỳ"- PGS.TS Trần Danh Cường nói.

Cùng với những yếu tố trên, nếu thêm mắc COVID-19 thì nguy cơ biến chứng thể nặng của phụ nữ mang thai càng cao. Khi diễn biến chuyển nặng nhanh chóng sẽ buộc phải nằm hồi sức, can thiệp thở máy, ecmo… với tỷ lệ cao, thậm chí có thể gây tử vong mẹ, nguy cơ cho thai nhi.

Đây là lý do các nhà quản lý, nhà khoa học thấy rằng việc chăm sóc thai kỳ, đề phòng nguy cơ cho phụ nữ mang thai trước đại dịch COVID-19 bằng vaccine là cần thiết.

"Các thai phụ nên đi tiêm vaccine trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Tiêm vaccine vừa bảo vệ người mẹ trước nguy cơ mắc, diễn biến nặng khi mắc COVID-19, vừa truyền kháng thể chủ động sang em bé, bảo vệ em bé những tháng đầu đời"- PGS.TS Trần Danh Cường nhấn mạnh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Video chỉ dẫn dinh dưỡng cho F0, F1 tại nhà.


Thái Bình
Ý kiến của bạn