Trần Thị Bích Hậu (Hải Dương)
Khi mang thai, có tới 90% thai phụ có cảm giác buồn nôn và buồn nôn trong những tháng đầu của thai kỳ, sau đó giảm đi ở tuần thứ 14. Nhưng vẫn có các trường hợp kéo dài đến tuần thứ 20, thậm chí đến cả trước khi sinh. Việc nôn nhiều khiến thai phụ mệt mỏi khó chịu và muốn tìm đến các biện pháp để giảm nôn. Tuy nhiên việc điều trị trong các trường hợp này không giống như các trường hợp thông thường khác.
Để giảm nôn và các triệu chứng khó chịu khiến bạn buồn nôn, trước hết bạn cần ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, ăn từng tí một; tránh uống nước lạnh; tránh ăn nhiều chất ngọt, các thức ăn hoặc gia vị có mùi mạnh. Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý. Trước khi dùng thuốc chống nôn cần lưu ý đến các bệnh kết hợp nếu có như viêm dạ dày...
Thuốc đầu tiên bạn có thể dùng là gừng, gừng có tác dụng làm giảm co thắt dạ dày, làm tăng nhu động ruột, từ đó làm giảm buồn nôn, nôn. Thứ hai, bạn có thể dùng vitamin B6, đây là thuốc có hiệu quả giảm nôn.
Nếu cải thiện chế độ ăn uống, sinh hoạt, kết hợp dùng gừng và vitamin B6 mà không có hiệu quả, khi đó cần cân nhắc sử dụng các thuốc chống nôn, tuy nhiên bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa sản.
Lưu ý một số thuốc chống nôn không được dùng cho thai phụ, đó là: domperidon, diphenylhydramin, metoclopramid...