Theo các chuyên gia, thời tiết lạnh, mưa nhiều, tăng giao thương, đi lại dịp cuối năm là những yếu tố khiến các mầm bệnh đường hô hấp phát triển mạnh và lây lan, đặc biệt là virus cúm. Ở phụ nữ mang thai, virus cúm không chỉ tác động đến thai kỳ mà còn có thể ảnh hưởng đến thai nhi, tăng nguy cơ nhập viện.
Tháng 12/2022, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ghi nhận đợt bùng phát cúm với gần 50% các trường hợp nhập viện do cúm đều là thai phụ từ 15-49 tuổi.
Tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mỗi năm nước ta có trung bình khoảng 800.000 ca mắc cúm. Các bệnh viện thỉnh thoảng ghi nhận thai phụ gặp biến chứng do cúm phải nhập viện.
Cuối tháng 9/2024, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tiếp nhận thai phụ 27 tuổi, mang thai 18 tuần mắc cúm kèm theo các biến chứng viêm phế quản bội nhiễm, có hiện tượng suy tim thai, phải điều trị tích cực mới ổn định sức khỏe.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, thai phụ mắc cúm thường gặp các triệu chứng mệt mỏi, viêm họng, sốt… Thai phụ mắc cúm cũng thường khỏi bệnh lâu hơn và có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hơn. Trong đó, viêm phổi là biến chứng nguy hiểm nhất. Thai phụ viêm phổi có nguy cơ phải thở máy, dùng kháng sinh liều cao hoặc điều trị bằng ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Trong một số trường hợp, thai phụ có thể được chỉ định phẫu thuật để đưa em bé ra sớm hơn khiến bé chào đời non tháng.
Virus cúm còn tác động lên thai nhi, tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, thai ngừng phát triển hoặc giới hạn tăng trưởng trong tử cung, thai nhỏ hoặc mắc dị tật như hở hàm ếch, tim bẩm sinh, rối loạn tâm thần và một số khiếm khuyết khác trên cơ thể.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên Viện Y khoa quốc gia Mỹ, nhiễm cúm trong ba tháng đầu của thai kỳ có liên quan đến nguy cơ dị tật lớn tăng gấp 2 lần, nguy cơ dị tật ống thần kinh (dị tật bẩm sinh của não, cột sống hoặc tủy sống) tăng gấp 3,3 lần và nguy cơ dị tật tim bẩm sinh tăng gấp 1,6 lần.
Ở 3 tháng cuối thai kỳ, nếu mẹ mắc cúm, triệu chứng sốt cao kèm độc tính của virus biểu hiện mạnh dễ kích thích tử cung co bóp gây sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.
Theo BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, hiện Việt Nam đã có vắc-xin cúm ngừa 4 chủng virus cúm phổ biến gồm A/H1N1, A/H3N2, B/Victoria và B/Yamagata. Trong đó, vắc-xin tiểu đơn vị chỉ chứa kháng nguyên bề mặt virus với tính sinh miễn dịch tốt và ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm…
Để phòng ngừa cúm và giảm nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm do cúm khi mang thai, chị em nên tiêm vắc-xin cúm để bảo vệ mẹ và con trong suốt thai kỳ, cũng như truyền kháng thể bảo vệ con trong 6 tháng đầu khi trẻ chưa đến tuổi tiêm ngừa cúm. Mẹ bầu tiêm cúm tốt nhất vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi, chưa từng tiêm cúm, cần chủng ngừa hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng, và sau đó tiêm một mũi nhắc lại hàng năm. Trẻ từ 9 tuổi và người lớn tiêm một mũi, sau đó nhắc lại hàng năm.
Các nghiên cứu cho thấy, việc tiêm phòng cúm cho mẹ bầu không chỉ giúp họ có thai kỳ khỏe mạnh hơn mà còn giảm 40% nguy cơ nhập viện do cúm, giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 25% tỷ lệ sinh non và giảm tới 72% khả năng trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi phải nhập viện do cúm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vắc-xin cúm đã được chứng minh an toàn, hiệu quả và đã được sử dụng trong hơn 60 năm qua.
Ủy ban Tư vấn về thực hành tiêm chủng (ACIP), Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) và Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tiêm vắc-xin cúm trong bất kỳ tam cá nguyệt nào của thai kỳ.
BS Bạch Thị Chính cho biết, thai phụ có thể tiêm vắc-xin cúm ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Tuy nhiên, 3 tháng đầu tiên là giai đoạn phát triển quan trọng của thai nhi nên ưu tiên tiêm vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.
Ngoài tiêm vắc-xin, BS Bạch Thị Chính cũng lưu ý các thai phụ nên tránh tiếp xúc với người bệnh, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, uống đủ nước, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để cơ thể có sức đề kháng tốt. Khi không may mắc bệnh, thai phụ nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, súc họng bằng nước muối loãng ấm nếu bị đau họng hoặc ho và đến cơ sở y tế để theo dõi điều trị, chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
Xuân Ngọc