Bệnh nhân M.T.C (27 tuổi, có địa chỉ tại Quảng Hòa, Cao Bằng) đến khám khi có dấu hiệu đau bụng. Bệnh nhân kể, trước 1 tuần đến khám có đái ra máu, đã mổ đẻ 3 lần, lần gần nhất cách đây 18 tháng. Trong quá trình mang thai khỏe mạnh, nhưng chỉ thực hiện quản lý thai kỳ 3 lần và không nhớ kết quả thăm khám các lần trước.
Bệnh nhân được thăm khám và làm các thăm dò chức năng cần thiết, kết quả siêu âm cho thấy tình trạng thai nhi là ngôi ngược, rau tiền đạo trung tâm hoàn toàn, rau bám mặt trước, nhiều mạch máu xuyên qua thành bàng quang.
Rau tiền đạo, rau cài răng lược được coi là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng mẹ và thai nhi. Nhận thấy bệnh nhân có tiên lượng rất nặng các bác sĩ khoa Sản đã tiến hành hội chẩn toàn viện và tiến hành mổ cấp cứu lấy thai; đồng thời cắt tử cung bán phần thấp để lại 2 phần phụ và bóc tách, xét cắt 1 phần bàng quang.
Theo các bác sĩ, rau cài răng lược là hiện tượng bệnh lý nhau không bong tróc khỏi thành tử cung sau quá trình sinh nở, mà bám chặt vào cơ tử cung, thậm chí xâm lấn các các cơ quan lân cận. Rau cài răng lược dễ xảy ra ở các mẹ bầu bị rau tiền đạo. Rau thai tiền đạo được hiểu là nhau phát triển ở phần dưới, thấp nhất của tử cung. Rau thai tiền đạo có liên hệ mật thiết với quá trình phẫu thuật tử cung hoặc sinh mổ trước đó. Nếu từng sinh mổ, bị nhau thai tiền đạo, khả năng bị nhau cài răng lược sẽ lên tới 25%. Nếu từng sinh mổ trên 2 lần, hiện bị rau thai tiền đạo, thì tỷ lệ trên tăng lên 40%.
Những trường hợp rau cài răng lược sau khi sinh sẽ không bong và chảy máu không cầm sẽ có thể dẫn đến những nguy cơ như: Băng huyết sau sinh phải truyền máu, đe dọa đến tính mạng sản phụ, nhiễm trùng sau sinh; Sinh non do chảy máu nhiều, cắt bỏ tử cung; Nếu rau cài đến bàng quang hay trực tràng thì đôi khi phải cắt bỏ 1 phần bàng quang hay trực tràng thì mới cầm máu được.
Trường hợp bệnh nhân C. toàn bộ bánh rau bám vào bàng quang, nhiều mạch máu xuyên qua thành bàng quang nên tình trạng rất nguy hiểm. Trong quá trình mổ bệnh nhân phải truyền 4 đơn vị máu trong mổ.
Đây là một ca bệnh khó và rất phức tạp, kíp phẫu thuật của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng đã đã nỗ lực hết mình và chuẩn bị tốt nhất để ca mổ diễn ra thành công. Ekip mổ từ khoa Sản, Ngoại, Gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm... đã lên kịch bản cho những tình huống xấu có thể xảy để có sự chuẩn bị chu đáo nhất. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa đã giúp chị C. có cuộc mổ an toàn, mẹ tròn con vuông. Hiện tại sau cuộc phẫu thuật bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục được điều trị tại Khoa Phụ Sản.
Theo các bác sĩ Khoa Phụ sản, đây là tình trạng rất nguy hiểm, đặc biệt bệnh nhân đã có tiền sử mổ đẻ 3 lần trước. May mắn, bệnh nhân đã kịp thời đến bệnh viện xử trí kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng mẹ và bé.
Các bác sĩ khuyến cáo chị em phụ nữ cần có kiến thức cần thiết về sức khỏe sinh sản, các thai phụ khi mang thai cần có kế hoạch quản lý thai nghén nghiêm túc, nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Sản để thăm khám và được tư vấn về sức khỏe thai kỳ, không chủ quan khi có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe.