Thai phụ có được dùng thuốc trị nấm chân?

20-10-2017 14:29 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Gần đây, do lội nước nhiều (vì nhà tôi thường xuyên bị ngập khi trời mưa to), ở kẽ chân tôi xuất hiện nhiều mụn nước, rất ngứa, khi gãi có hiện tượng bong xước da có màu hơi vàng, chảy dịch.

Tôi nghe nói đây là hiện tượng nước ăn chân và nếu dùng kem ketoconazole để bôi thì sẽ khỏi nhưng tôi đang mang thai tháng thứ 6 nên chưa dám sử dụng. Xin hỏi quý báo, tôi có nên dùng loại thuốc này để chữa nước ăn chân không?

Nguyễn Thị Lan

(Thanh Hóa)

Phụ nữ mang thai khi dùng thuốc cần sự tư vấn của bác sĩ. Ảnh: TM

Phụ nữ mang thai khi dùng thuốc cần sự tư vấn của bác sĩ. Ảnh: TM

Bệnh nước ăn chân là do vi nấm trichophyton mentagrophytes và trichophyton rubrumgây ra. Bệnh thường gặp vào mùa mưa lũ, ở các vùng trũng, ngập lụt… và có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nếu thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm, đặc biệt là các nhân viên làm trong môi trường ẩm ướt hoặc mang giày, tất bít kín như: Công nhân trong các xí nghiệp chế biến hải sản, công nhân rửa chai, lọ…

Một trong những loại thuốc thường được dùng để chữa bệnh là thuốc chống nấm ketoconazole. Thuốc có thể sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú nên bạn yên tâm dùng để chữa bệnh. Tuy nhiên, để thuốc đạt hiệu quả chữa trị, trước khi bôi, bạn cần chú ý vệ sinh sạch chỗ da bị nhiễm bệnh, sau đó dùng bông thấm nước hoặc miếng gạc mỏng thấm thuốc rồi bôi lên vùng có bệnh, ngày bôi 2 - 3 lần.

Trong quá trình dùng thuốc, bạn không nên để thuốc dây vào mắt và có thể gặp một số tác dụng phụ như: đau rát, lột da, có thể tăng sắc tố sau bôi thuốc... Vì vậy, bạn tuyệt đối không được lạm dụng thuốc, bôi kéo dài, bôi số lượng lớn thuốc hay bôi nhiều lần trong ngày hơn so với hướng dẫn dùng thuốc nhưng cần dùng thuốc liên tục không ngắt quãng cho đến khi làn da lành hẳn.

Để đề phòng bệnh nước ăn chân, điều quan trọng nhất là bạn cần giữ cho bàn chân luôn khô ráo. Sau khi đi ngoài trời mưa về hoặc khi phải ngâm chân trong nước lâu, cần cởi bỏ giày dép ra ngay, rửa chân bằng nước sạch và lau khô ngay hai chân. Khi phải lội dưới nước lâu, cần đi giày, ủng để bảo vệ bàn chân.

BS.Nguyễn Thu Hà


Ý kiến của bạn