Hà Nội

Thai phụ bị quá kích buồng trứng, phải phẫu thuật sau khi thực hiện IUI

04-11-2024 19:32 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sau khi thực hiện IUI thành công, thai phụ thường xuyên khó thở, căng tức bụng, buồn nôn phải phẫu thuật cắt lọc mô buồng trứng, hút hơn 10 lít dịch… do bị quá kích buồng trứng.

Ngày 4/11, Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật thành công cho một thai phụ quá kích buồng trứng sau quá trình sử dụng thuốc kích trứng để thực hiện IUI (phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung).

Theo đó, bệnh nhân là B.T.H.N. (34 tuổi, ngụ TP Thủ Đức). Mong mỏi có con sau 6 tháng canh trứng thất bại, đầu tháng 3/2024, vợ chồng bệnh nhân B.T.H.N. đã quyết định thực hiện tiêm 5 mũi thuốc kích thích trứng để làm IUI. Sau đó không lâu, bệnh nhân B.T.H.N. đã đậu thai.

Thai phụ bị quá kích buồng trứng, phải phẫu thuật sau khi thực hiện IUI- Ảnh 1.

Thai phụ được phẫu thuật quá kích buồng trứng ở tuần thai thứ 25. Ảnh: BVCC.

Ngày 21/3, siêu âm thai ghi nhận thai được 5 tuần tuổi trong lòng tử cung, kích thước buồng trứng to 81x58mm và 54x44mm.

Thời điểm thai được 8 tuần tuổi, siêu âm ghi nhận thai nhi phát triển bình thường, 2 buồng trứng xuất hiện rất nhiều nang noãn phát triển khiến buồng trứng 2 bên to lên bất thường (182mmx76mm, 146mmx69mm). Thời điểm thai được 11 tuần 5 ngày tuổi, kích thước 2 buồng trứng đạt 246mmx101mm và 200mmx69mm.

Bệnh nhân luôn cảm thấy bụng căng tức khó chịu, thai càng to cảm giác bụng càng căng tức. Đồng thời, bệnh nhân liên tục ói do thai nghén và do tình trạng quá kích buồng trứng. Để giảm các triệu chứng, bệnh nhân phải nằm một chỗ.

Khi thai được 16 tuần, bệnh nhân đã phải nhập cấp cứu Bệnh viện Từ Dũ do khó thở, 2 chân phù to do hạn chế vận động. Kết quả kiểm tra ghi nhận, buồng trứng 2 bên tiếp tục to lên. Tuy nhiên, hiện chưa có biện pháp can thiệp giải quyết triệt để tình trạng quá kích buồng trứng nên bệnh nhân B.T.H.N. được xuất viện theo dõi tại nhà và tái khám mỗi tuần.

Tình trạng bệnh của bệnh nhân ngày càng nặng. Chân sưng to không thể vận động, bụng chướng to tận xương ức khiến bệnh nhân không thể nằm ngang bình thường mà chỉ có thể nằm đầu cao 30 độ, sau đó tăng lên 45 độ và 60 độ.

Ngày 6/8, khi thai được 25 tuần tuổi, bệnh nhân tiếp tục nhập cấp cứu Bệnh viện Từ Dũ trong tình trạng khó thở dữ dội.

Sau 1 tuần theo dõi tại hồi sức với các biện pháp điều trị nâng đỡ và hỗ trợ dinh dưỡng nhưng tình trạng của bệnh nhân không thể kéo dài thêm nên BS.CKII Vương Đình Bảo Anh – Phó Giám đốc bệnh viện đã quyết định phẫu thuật giảm áp lực ổ bụng và cắt lọc mô buồng trứng quá kích 2 bên nhằm cải thiện tình trạng quá kích buồng trứng cho bệnh nhân.

9h sáng 13/8, cuộc phẫu thuật bắt đầu. Quá trình phẫu thuật ghi nhận rất nhiều dịch vàng trong bụng bệnh nhân. Ê-kíp phẫu thuật đã hút hơn 10 lít dịch từ bụng bệnh nhân, cắt lọc mô buồng trứng quá kích 2 bên, may phục hồi và cầm máu kỹ buồng trứng 2 bên tránh nguy cơ xuất huyết nội trong thời gian hậu phẫu.

Ngày thứ nhất sau mổ, cơ thể bệnh nhân đã tự đào thải hơn 10 lít dịch/ ngày. Chỉ sau 1 ngày, cơ thể chị đã giảm từ 65kg xuống còn 45kg. Bệnh nhân có thể ngồi dậy và vận động như bình thường.

Để đảm bảo bệnh nhân B.T.H.N. có thể phục hồi sức khỏe và thai nhi phát triển bình thường, Ban giám đốc Bệnh viện Từ Dũ đã yêu cầu bác sĩ trưởng khoa dinh dưỡng phải khám và lên thực đơn đặc biệt mỗi ngày cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, do bị teo cơ, yếu cơ sau thời gian dài hạn chế vận động nên bệnh nhân được tập vật lý trị liệu để có thể sớm vận động trở lại.

Thai phụ bị quá kích buồng trứng, phải phẫu thuật sau khi thực hiện IUI- Ảnh 2.

Đại diện Bệnh viện Từ Dũ chúc mừng gia đình bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Sau mổ, tình trạng quá kích buồng trứng ở bệnh nhân không còn, không có dịch trong ổ bụng, kích thước buồng trứng trở về như bình thường. Bệnh nhân hết khó thở, chân hết phù, toàn thân trở nên nhẹ nhàng. Ngày 4/9, bệnh nhân được xuất viện.

Do tình trạng ảnh hưởng quá kích buồng trứng kéo dài gây rối loạn dinh dưỡng khó hồi phục, cơ thể bệnh nhân N. không lên cân, thai bắt đầu có tình trạng chậm tăng trưởng trong tử cung. Tình trạng thai suy dinh dưỡng trong tử cung ngày càng nặng.

Tới ngày 23/10, do khung chậu hẹp, thai nhi chậm tăng trưởng nặng, thai phụ suy kiệt nên các bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân N. nhập viện để mổ lấy thai lúc thai được 36 tuần 3 ngày.

Sau hành trình 8 tháng vật vã chống chọi với bệnh tật, ngày 24/10, bệnh nhân đã chào đón bé gái khỏe mạnh, nặng 2,1kg.

Sau 2 ngày sinh, bé ổn định hô hấp, tim mạch và tự bú tốt nên bé được đưa về với mẹ. Vết mổ của bệnh nhân N. khô sạch, không đau, không sốt.

Ngày 1/11, bệnh nhân N và con gái được xuất viện.

Đông mô buồng trứng: Phương pháp giúp bảo tồn khả năng sinh sản, mở ra cơ hội làm mẹ cho phụ nữ?Đông mô buồng trứng: Phương pháp giúp bảo tồn khả năng sinh sản, mở ra cơ hội làm mẹ cho phụ nữ?

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam là 7,7%. Hàng năm, ước tính có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh và 50% trong số đó là dưới 30 tuổi. Bảo tồn sinh sản là một vấn đề y khoa lớn, không chỉ ở phụ nữ mà ở cả nam giới.


Nam Thương
Ý kiến của bạn