Để phòng cho trẻ khỏi bị dị ứng ngay từ khi mang bầu, thai phụ đã có thể chuẩn bị cho bé một chút hành trang trước khi chào đời. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị dị ứng là do nhân tố di truyền. Chỉ cần một trong số những người thân của trẻ được chẩn đoán là viêm da dị ứng, hen suyễn dị ứng, viêm mũi dị ứng hoặc dị ứng thực phẩm thì thai nhi sau khi chào đời, xác suất bị các dị ứng kể trên sẽ rất cao.
Thông thường, nguyên nhân dị ứng thường thấy phân thành loại do bụi trong không khí và thực phẩm. Thực phẩm tiềm ẩn rất nhiều chất gây dị ứng thế nên người lớn nhất định phải chú ý lựa chọn thật kỹ thực phẩm cho trẻ. Có rất nhiều loại dị ứng như: hen suyễn dị ứng, viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng, dị ứng thực phẩm, nổi mề đay (phát ban). Trẻ nhỏ có thể bị dị ứng sữa, trẻ mẫu giáo có thể bị dị ứng thực phẩm. Dị ứng nhẹ thì bộ phận nào đó của cơ thể mẩn đỏ, nặng thì lan ra toàn thân, thậm chí trở thành viêm da. Rất nhiều nghiên cứu nước ngoài đã chứng minh, lựa chọn thực phẩm cho thai phụ có thể giúp thai nhi ra đời phòng được dị ứng. Trên trang Thông tin sức khỏe của Mỹ “WebMD” đã cung cấp chế độ ăn uống cho các bà mẹ đang mang thai và những lời khuyên về thực phẩm cho trẻ sơ sinh để giúp trẻ phòng ngừa dị ứng, có một tương lai khỏe mạnh.
Thai phụ nên ăn 5 lần các loại hạt /tuần
Trẻ có bị dị ứng hay không có thể phòng trước vào giai đoạn thứ 2 của thai kỳ (tháng thứ 4) và trong vòng từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 9 sau khi sinh ra, tức là có thể làm giảm đáng kể nguy cơ dị ứng cho trẻ. Trong báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí Y học nhi khoa của hội Y học Mỹ (JAMA Pediatrics) cho biết, mỗi tuần, thai phụ nên ăn 5 lần các loại hạt như lạc, đậu, vừng, (mỗi lần khoảng 45-55 gram) sẽ giảm được xác suất bị dị ứng khi trẻ chào đời. Vì vậy, trong thời gian mang thai, thậm chí cả trước và sau khi sinh, các mẹ nên ăn các loại hạt, lạc đều có thể giúp trẻ phòng dị ứng.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, nếu cơ thể mẹ vốn đã bị dị ứng với loại thực phẩm nào đó thì càng phải tránh loại thực phẩm này trong thời gian mang thai. Những thực phẩm khác bị liệt vào các thực phẩm dễ gây dị ứng cũng phải chú ý, đừng dùng quá nhiều. Chẳng hạn như các loại tôm cua, sô cô la, thực phẩm chế biến sẵn…
Ăn nhiều cá và rau xanh
Các chất dinh dưỡng có chứa các loại vitamin C, E, β, carotene và axit béo Omega-3 giúp làm giảm nguy cơ dị ứng. Vì vậy, trong thức ăn của trẻ nên có nhiều trái cây và rau củ hơn. Chẳng hạn như các loại hoa quả giàu hàm lượng vitamin C, cà rốt, rau xanh màu sẫm hoặc cá hồi, cá tuyết có chứa axit béo Omega-3. Cũng có thể thêm một vài thực phẩm vi sinh giúp phòng ngừa các triệu chứng dị ứng đường hô hấp nhưng với các triệu chứng dị ứng da như: viêm da dị ứng, phát ban, bệnh chàm thì tác dụng giảm thiểu và phòng dị ứng ít hiệu quả hơn.
Cho trẻ ăn dặm bổ sung khi trẻ sau 6 tháng tuổi
Bình thường, trẻ khoảng 4 tháng tuổi trở lên đã có thể bước vào giai đoạn ăn dặm bổ sung. Có điều nếu trong gia đình có người có tiền sử bị dị ứng thì tốt nhất nên sau 6 tháng tuổi mới cho bé ăn dặm bổ sung, cần tránh cho bé ăn những thực phẩm có chứa trứng hoặc lúa mạch. Chúng ta có thể cho bổ sung dần dần từng chút một để phân biệt được các thực phẩm gây dị ứng.
Bảo Ngân (Theo baby.39.net)