Từ khi thai nhi được 20 tuần tuổi, chị đã có dấu hiệu dọa sảy, cổ tử cung mở trong khoảng từ 1.2 – 1.3cm nên được chỉ định nhập viện điều trị, dùng thuốc theo phác đồ để giữ thai tại khoa Sản 1, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.
Sau khoảng 7 tuần điều trị, tình trạng sức khỏe của chị ổn định nên được cho xuất viện.
Tuy nhiên, đến khoảng 20h ngày 26/6, chị H. đột nhiên xuất hiện triệu chứng đau bụng, tần suất cơn đau tăng dần nên được gia đình đưa vào viện thăm khám.
Sau khi siêu âm và tiến hành hội chẩn, các bác sĩ xác định bệnh nhân đã có dấu hiệu chuyển dạ, cổ tử cung mở 2cm, nguy cơ sinh non cao nên chỉ định khâu vòng cổ tử cung cấp cứu để giữ thai.
BSCKI. Nguyễn Văn Hưng – Trưởng khoa Sản 2, người trực tiếp thực hiện khâu vòng cổ tử cung cho bệnh nhân cho biết: "Đây là một trường hợp khâu vòng cổ tử cung trong tình trạng khá nguy hiểm do bệnh nhân có dấu hiệu chuyển dạ khá nhanh. Khi thăm khám thấy được độ dài cổ tử cung còn 5mm, ối tụt trong ống cổ tử cung. Chúng tôi đã ngay lập tức chuyển bệnh nhân đến phòng mổ, thực hiện khâu vòng cổ tử cung cấp cứu nhằm giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ sinh non khi thai nhi còn rất non tháng".
Với sự nỗ lực của cả ê-kip các bác sĩ, kỹ thuật viên, thủ thuật được thực hiện thành công. Sau khi được can thiệp và điều trị hỗ trợ, hiện tại sức khỏe chị H. ổn định và có dấu hiệu phục hồi tốt.
Trò chuyện với chúng tôi khi vừa trở về từ phòng siêu âm và được bác sĩ xác định cả 2 mẹ con đều an toàn, chị H. rưng rưng xúc động chia sẻ: "Khi nghe bác sĩ thông báo tình trạng chuyển dạ nhanh, cổ tử cung đã mở 2cm và nguy cơ sinh non rất cao, tôi rất hoảng loạn và lo lắng vì em bé của mình còn quá nhỏ. Tuy nhiên, các bác sĩ đã trấn an, động viên rất nhiều giúp tôi bình tĩnh hơn. Tôi can đảm bước vào phòng thủ thuật với niềm tin và hy vọng rất lớn vào các bác sĩ".
"Khi nghe các bác sĩ nói đã khâu vòng cổ tử cung xong và thuận lợi, tôi rất vui và xúc động. Tôi thật sự rất biết ơn các bác sĩ tại khoa Sản 1 đã quan tâm, chăm sóc tôi rất chu đáo. Đặc biệt cảm ơn Bác sĩ Hưng đã rất “mát tay” và khéo léo, giúp 2 mẹ con tôi được an toàn. Trước đây tôi cứ nghĩ là chỉ đi các bệnh viện tuyến trung ương mới có thể khâu vòng cổ tử cung giữ thai.
Tuy nhiên khi được biết tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ có thể làm được kỹ thuật này và đã khâu thành công cho một số sản phụ trước đó, tôi rất yên tâm. Với việc khâu vòng cổ tử cung tốt như thế này, tôi nghĩ mình có thể giữ thai đến khi đủ tuần mới sinh, tôi tin và mong là như vậy" – chị H. cho biết thêm.
Khâu vòng cổ tử cung có an toàn?
Theo các bác sĩ, khâu vòng cổ tử cung được thực hiện để dự phòng sinh non cho thai phụ có nguy cơ sinh non. Đây là một thủ thuật có xâm lấn, được thực hiện ở tuần 14 – 16 của thai kỳ. Trong một số trường hợp đặc biệt, khâu vòng cổ tử cung có thể thực hiện ở sau tuần 20.
Khâu vòng cổ tử cung thường ít biến chứng nếu thực hiện đúng kỹ thuật và chỉ định. Các trường hợp hở eo tử cung, suy cổ tử cung hoặc cổ tử cung ngắn dần, hình chữ U,Y, V hoặc đã có dấu hiệu chuyển dạ, cổ tử cung mở, ối tụt, các bác sĩ sẽ tiến hành khâu cổ tử cung cấp cứu. Trong trường hợp khâu cấp cứu thì độ khó của thủ thuật cao, nguy cơ vỡ ối hoặc rỉ ối sẽ tăng lên. Chính vì vậy, việc thăm khám thai kỳ toàn diện và chuyên sâu sẽ giúp thai phụ phát hiện các trường hợp có nguy cơ và dự phòng sinh non tốt hơn.
Sau khâu vòng cổ tử cung, thai phụ được theo dõi tại bệnh viện, theo dõi các dấu hiệu như đau bụng, cơn gò tử cung, ra máu, ra dịch,… Khi không có đấu hiệu dọa sinh non và sức khỏe ổn định, thai phụ được xuất viện và theo dõi thai kỳ theo lịch hẹn.