Tôi trở lại làng hoa Thái Phiên (phường 12 - Đà Lạt) trong một ngày giữa tháng mười; dù còn hơn hai tháng nữa mới đến Tết dương lịch và cũng là dịp Đà Lạt chào đón các sự kiện văn hóa lớn diễn ra; Song, dường như nơi đây đã rộn ràng không khí mới. Làng hoa truyền thống trên cao nguyên trước thềm mùa hội lớn...
Hơn nửa thế kỷ hình thành làng hoa
Dường như cái nghề trồng hoa (ngoài mưu sinh thuần túy) còn là thú chơi tao nhã đã làm cho người nông dân "lột xác", trở thành những con người lịch lãm, hiền hòa và rất mến khách...! Ông Hồ Ngọc Dinh - Chủ tịch Hội Nông dân phường chào đón tôi rất niềm nở. Ông cười rất tươi và tâm sự: Những ngày này, khách trong và ngoài nước tìm đến làng hoa Thái Phiên để tham quan, tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất với bà con nông dân rất đông, trong đó có cả giới phóng viên các báo, đài... Do đó, tiếp khách là công việc thường xuyên và cũng là niềm vinh dự của Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể trong phường.
Vị Chủ tịch Hội Nông dân phường rất hồ hởi khi đưa khách đi thăm các khu nhà vườn chuyên trồng các loại hoa cao cấp của nông dân trong phường. Trước mắt tôi bạt ngàn những dãy nhà kính, nhà lưới được xây dựng khá kiên cố và nối dài tít tắp trên những sườn đồi, dưới những thung lũng xanh lấp lánh ánh mặt trời. Bên trong các dãy nhà "màu trắng" ấy, từng luống hoa được trồng chăm chút xanh tươi chuẩn bị cho mùa thu hoạch mới. Bên cạnh các luống hoa còn non tơ là màu vàng quý phái của các loài hoa cúc nhập ngoại đang khoe sắc; Và rồi màu cam, tím, trắng, vàng, nâu... của lys, lyli cao cấp - những loài hoa có giá trị rất cao và đang được thị trường ưa chuộng này rực rỡ trong các nhà vườn; mùi hương nồng nàn bay trong gió.
Sự hình thành, phát triển và tràn trề sức sống của làng hoa Thái Phiên hôm nay gắn liền với gần 60 năm hình thành và trải qua bao nhiêu gian khó, thăng trầm của lịch sử đấu tranh của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trước năm 1945, Thái Phiên chỉ là vùng đồi núi hoang vu, là nơi dành riêng cho vua Bảo Đại săn bắn; vào năm 1954, có khoảng 40 hộ gia đình người Việt trước nay sống ở Xuyên Khoảng (Lào) hồi hương trở về Đà Lạt. Nhận thấy vùng đất này đồi núi thấp khá bằng phẳng, có thổ nhưỡng, khí hậu, sông, hồ (hồ Than Thở) rất thích hợp cho việc quy dân, lập ấp và sản xuất nông nghiệp; Các hộ dân này đã thống nhất bầu ông Lê Phương Miễn (một chủ hộ trong 40 hộ) làm đại diện. Năm 1956, ông Miễn đệ trình lên Tỉnh trưởng Lâm Viên lúc này là ông Cao Minh Hiệu nguyện vọng lập ấp và được vị tỉnh trưởng chấp nhận - ấp Thái Phiên hình thành từ đó.
Những năm đầu lập ấp, các hộ dân chuyên trồng, sản xuất các loại cây ăn trái (cây hồng), sản xuất rau và một số loài hoa có nguồn gốc từ Pháp như: hoàng anh, layơn, xạc-ra, cúc đỏ, cẩm tú cầu, hoa hồng, margarite... Những năm sau đó, dân cư từ các tỉnh miền Trung (Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên...) lần lượt vào đây lập nghiệp. Cùng với dân số tăng lên, quy mô sản xuất cũng liên tục mở rộng. Đặc biệt, các loại hoa cao cấp có nguồn gốc từ các nước: Pháp, Nhật, Indonesia... như cúc (hơn 40 giống loài), cát tường, lyli, lys trắng, salim, cẩm chướng, xạc-ra, hoa hồng... được đưa về trồng ngày càng nhiều - bắt đầu hình thành làng hoa Thái Phiên.
Nhạy bén với cách làm ăn mới, nhất là việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ những năm 1995 - 1996 đến nay, nông dân Thái Phiên (phường 12 - Đà Lạt) mạnh dạn đầu tư trồng hoa cao cấp trong nhà kính, nhà lưới theo quy trình công nghệ cao. Hiện nay, toàn phường 12 có tất cả 1.584 hộ với 8.400 nhân khẩu; trong đó có 1.209 hộ dân chuyên sản xuất nông nghiệp; 10% số hộ chuyên canh sản xuất hoa với 3.600 lao động (2.700 lao động là người địa phương và 900 lao động làm thuê là người từ các tỉnh miền Bắc vào). Toàn phường có 430ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, 320ha sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao (nhà kính, nhà lưới, có hệ thống tưới tự động). Ngoài hoa là chủ lực, diện tích cây atiso trên địa bàn phường 12 cũng chiếm khá lớn (40ha/60ha cây atiso trên toàn thành phố), là loại cây đặc sản của Đà Lạt, đem về nguồn thu đáng kể cho nông dân.
Trên địa bàn phường 12 - Đà Lạt hiện đã có Trung tâm Nghiên cứu khoai tây và rau, hoa thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam hoạt động nhiều năm qua; 3 cơ sở nuôi cấy mô sinh học; 12 kho lạnh chuyên bảo quản giống và 10 cơ sở ươm giống hoa cúc thương phẩm chuyên cung cấp giống cho nông dân địa phương, nhiều địa bàn khác ở Đà Lạt và các huyện lân cận. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi hỗ trợ tích cực cho nông dân Thái Phiên chủ động đẩy mạnh sản xuất rau, hoa hiện nay và có triển vọng mở ra một vùng sản xuất hoa chuyên canh những năm sau này.
Niềm vui mùa thu hoạch. |
Làng hoa - Làng du lịch
Đứng từ tầng 2 của trụ sở UBND phường 12 - TP. Đà Lạt, đưa tầm mắt lướt qua những khu vườn rau, hoa được trồng trong nhà kính, nhà lưới bạt ngàn nối nhau tiếp giáp với những rừng thông xanh ngát; hai bên các con đường mới được nâng cấp như còn mùi nhựa nóng là những ngôi nhà xây cao tầng sang trọng đang từng ngày mọc lên san sát... Cuộc sống của nhân dân Thái Phiên thay da đổi thịt từng ngày; Và một làng hoa truyền thống đang vươn mình đầy sức sống dưới sắc trời Tây Nguyên vào hội... |
Tại Festival Hoa - Đà Lạt tổ chức lần đầu tiên vào năm 2005, làng hoa Thái Phiên đã được giới thiệu, vinh danh đến với đông đảo bạn bè trong và ngoài nước. Đây là niềm động viên rất quan trọng để liên tục các dịp festival tổ chức sau đó, làng hoa Thái Phiên luôn hiện diện với các sản phẩm hoa đặc hữu và cao cấp làm say lòng người. Một niềm vui lớn, niềm vinh dự tự hào đã đến với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường 12 - TP. Đà Lạt là ngày 16/12/2009, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định công nhận làng hoa Thái Phiên là "Làng nghề truyền thống". Từ sự kiện này, Đảng bộ, chính quyền phường 12 đã xây dựng Đề án phát triển làng hoa Thái Phiên giai đoạn 2010 - 2015; trong đó, tập trung công tác quy hoạch phân khu làng hoa Thái Phiên trở thành làng hoa công nghiệp.
Thiên thời - địa lợi và nhân hòa đã hội tụ trên vùng đất Thái Phiên! Sản lượng hoa cắt cành của làng hoa Thái Phiên liên tục tăng đột biến qua mỗi năm: từ 30 triệu cành/năm tăng lên 300 triệu cành/năm và hiện nay là 450 triệu cành các loại/năm; doanh thu mỗi hécta hoa đạt 550 triệu đồng/ha. Điều đáng mừng là thông qua các chương trình liên kết đầu tư, hợp tác giữa Lâm Đồng với các tỉnh, thành trong khu vực, hiện nay, đầu ra của sản phẩm rau và hoa của làng hoa Thái Phiên khá ổn định. 80% sản phẩm hoa của Thái Phiên được tiêu thụ mạnh tại TP. Hồ Chí Minh qua 3 chợ đầu mối lớn (chợ Hồ Thị Kỷ, chợ Đầm Sen và chợ Bình Điền); 10% sản phẩm tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc và 10% tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Nhờ gia tăng diện tích sản xuất hoa cao cấp giá trị cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, những năm gần đây, đời sống về vật chất và tinh thần của nhân dân phường 12 - Đà Lạt thay đổi vượt bậc. Hiện nay, chiếm hơn 60% số hộ trong toàn phường có mức thu nhập trung bình hàng năm từ 200 triệu đồng trở lên; cá biệt, có nhiều hộ nông dân thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Chủ tịch Hội Nông dân phường - ông Hồ Ngọc Dinh phấn khởi cho biết, ngoài 2 nghệ nhân của làng hoa Thái Phiên đã có 3 đời lưu truyền nghề trồng hoa là ông Nguyễn Bá Thành và Bùi Văn Hội (được tôn vinh tại Festival Hoa - Đà Lạt năm 2007), hiện nay, một thế hệ nông dân mới của làng hoa Thái Phiên đang hình thành. Đó là những trí thức trẻ - con cháu của các lão nông sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã trở về làm... nông dân nối nghiệp nghề trồng hoa!
Bài và ảnh: Thanh Dương Hồng