Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Lực lượng vị thành niên, thanh niên (10 đến 19 tuổi) chiếm tỷ lệ tương đối lớn, khoảng 33% từ trong tổng dân số. Với tỷ lệ lớn như vậy nên việc chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên để cho các em có những kiến thức, hành trang và kỹ năng trong thời gian tiếp theo rất quan trọng".
Đối với ngành Y tế, ngoài các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên thời gian qua với những nội dung từ công tác tuyên truyền, cung cấp kiến thức nội dung liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các trường học, các khu công nghiệp, những nơi tập trung số lượng lớn thành niên. Ngành Y tế cũng đã triển khai các nội dung từ cấp học: THCS, THPT. Thông qua các buổi ngoại khóa, lồng ghép trong các chuyên đề của môn Giáo dục công dân để cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản đến cho các em.
Theo bác sĩ Nguyễn Chí Cường, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: "Hiện nay, việc thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên đang có xu hướng tăng dần do tác động của nhiều vấn đề trong đó có vấn đề quản lý của gia đình, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản ở các địa phương, trường học, và bản thân cũng tiếp thu nhận thức của các cháu cũng chưa được tốt, đặc biệt là theo trào lưu mà mạng internet nói về vấn đề hoạt động tình dục cũng tương đối thoải mái, thế nên các cháu tiếp nhận và dễ dẫn đến tình trạng buông thả, có thai ở tuổi vị thành niên".
Gần 30 năm công tác, bác sĩ Nguyễn Chí Cường không khỏi "sốc" trước trường hợp nữ sinh 14 tuổi ở Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng người nhà đến viện yêu cầu được phá thai 14 tuần tuổi.
Điều khiến bác sĩ Cường lo lắng bởi cơ thể của em quá nhỏ, trông như trẻ lên 10 tuổi và bộ phận sinh dục vẫn chưa phát triển hoàn toàn. Qua chia sẻ, nữ sinh này cho biết em mới có kinh 1 lần thì có thai sau khi quan hệ với bạn trai.
Trong hai năm vừa rồi, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận từ 12-14 bệnh nhân, trong đó có những cháu mới 14 tuổi, còn trung bình từ 15-16 tuổi. Do cơ thể của vị thành niên chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là cơ quan sinh dục nên khi có thai sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều trong thời kỳ mang thai, dẫn đến tình trạng thai kém phát triển, suy dinh dưỡng bào thai, sảy thai, thai lưu…
Đối với lứa tuổi vị thành niên, thanh niên, các em ở trong độ tuổi đang thay đổi rất nhiều về thể chất cũng như là tâm, sinh lý. Đặc biệt là sự tò mò, thiếu hiểu biết về giới tính chưa đầy đủ về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản. Do chưa được biết hoặc cung cấp đầy đủ về kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên, thanh niên như có thai ngoài ý muốn, không được trang bị kiến thức sử dụng các biện pháp tránh thai, phòng vệ có thai, việc nạo phá thai ở các cơ sở không an toàn dẫn đến hậu quả rất nặng nề, sang chấn về tâm lý.
Với mục tiêu cải thiện tình trạng sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục của vị thành niên, thanh niên, góp phần đưa vị thành niên, thanh niên trở thành một lực lượng lao động khỏe mạnh, phát huy hết tiềm năng để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, trong năm 2021, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều buổi truyền thông đến hàng nghìn công nhân các khu công nghiệp cũng như học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và THPT.
Chủ động cung ứng các dịch vụ trong mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh để các em có thể dễ tiếp cận dịch vụ, được tư vấn một cách tốt nhất đặc biệt là vấn đề tình dục an toàn, kỹ năng giao tiếp và phòng tránh xâm hại; phòng tránh thai ngoài ý muốn cũng như nhiều chủ đề khác liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên.
Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Nguyên cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thi "Rung chuông vàng, tìm hiểu kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên". Mỗi hội thi có 50 thí sinh đến từ 5 trường THPT tham dự.
Tại Hội thi, các thí sinh đã trải qua 30 câu hỏi thú vị, bổ ích về kiến thức Dân số - sức khỏe sinh sản vị thành niên. Các câu hỏi, tình huống này rất gần gũi, thiết thực đến lứa tuổi của các bạn học sinh như: dấu hiệu tuổi dậy thì, tác hại của việc mang thai ở lứa tuổi vị thành niên, làm gì khi bị lạm dụng tình dục, các vấn đề giới, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh; kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục...
Hội thi đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để học sinh thể hiện hiểu biết của mình về kiến thức dân số, sức khỏe sinh sản bị thành niên, tạo cơ hội giúp học sinh bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, xây dựng tình bạn đẹp trong lứa tuổi học trò, góp phần phòng ngừa các tệ nạn, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản.
Ngoài ra, ngành y tế tỉnh Thái Nguyên còn thực hiện khảo sát kiến thức sức khỏe sinh sản; phỏng vấn vị thành niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản; kiến thức vị thành niên về sức khỏe sinh sản; thái độ của vị thành niên về vấn đề này; truyền thông tư vấn các kiến thức về tiến trình sức khỏe sinh sản vị thành niên (tình yêu, tình bạn khác giới, tình dục an toàn, phá thai sớm). Qua khảo sát nhằm cung cấp kiến thức để Nhà trường và các đơn vị liên quan có giải pháp can thiệp phù hợp cũng như trang bị kỹ năng cần thiết giúp lứa tuổi vị thành niên, thanh niên nhận thức đúng đắn về sức khoẻ sinh sản.