Khoa Sản, Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên hàng tháng tiếp nhận hàng trăm lượt thai phụ đến khám sức khỏe định kỳ. Khoa cũng là một trong số hơn 30 cơ sở y tế của huyện Đồng Hỷ ký cam kết không thông báo giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau, thai phụ vẫn biết trước được giới tính thai nhi của mình khi đi khám bên ngoài.
Bác sĩ Lã Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Sản, Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ cho biết: "Khi phỏng vấn những sản phụ đến sinh về giới tính thai nhi, hầu như sản phụ đều biết giới tính em bé trước khi sinh".
Báo cáo thực trạng dân số thế giới năm 2020 ước tính tại Việt Nam mỗi năm có khoảng gần 41.000 bé gái không có cơ hội chào đời vì giới tính của mình, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng liên tục hàng năm với tỷ lệ 111,9 bé trai/100 bé gái vào năm 2019. Tỉnh Thái Nguyên nhiều năm qua đã thực hiện đồng bộ Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại 178 xã, phường, thị trấn; đã có 22/22 cơ sở y tế công lập ký cam kết không thông báo giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, tuy nhiên, việc chênh lệch giới tính khi sinh vẫn diễn ra phổ biến tại các địa phương.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong tương lai, nhất là tình trạng thừa nam, thiếu nữ; nam giới khó lấy vợ, thậm chí không thể kết hôn; làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học, tác động đến cuộc sống gia đình và xã hội. Ngoài ra, việc lựa chọn giới tính thai nhi dẫn tới việc phá thai, ảnh hưởng đến sức khỏe người phụ nữ, tăng bất bình đẳng giới; tăng tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em…
Về nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thái Nguyên cho biết, một số cấp ủy, chính quyền còn xem nhẹ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác Dân số và Phát triển; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Đặc biệt, tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân là nguyên nhân sâu xa và căn bản nhất dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Để thực hiện hiệu quả Chiến lược điều chỉnh mức sinh, Sở Y tế Thái Nguyên đã phối hợp với các cấp, ngành nỗ lực tăng cường công tác tuyên truyền về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh dưới nhiều hình thức, như thông qua phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, của huyện, phát trên loa truyền thanh của xã, của xóm, tổ dân phố; nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền nhóm nhỏ tại hộ gia đình; tại trạm y tế; tổ chức mít tinh, tọa đàm, diễu hành; căng treo băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tài liệu liên quan; tổ chức Chiến dịch truyền thông nhân Ngày Quốc tế Trẻ em gái.
Chị Lý Thị Ló, một người dân ở bản người Mông Lân Đăm, Quang Sơn (Đồng Hỷ - Thái Nguyên) tâm sự: "Đời bố, mẹ của mình sinh nhiều con nên cuộc sống rất vất vả. Bởi thế, khi được cán bộ hướng dẫn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, vợ chồng mình đã áp dụng và chỉ sinh 2 con. Hiện nay, kinh tế gia đình ổn định, các con đều được đến trường".
Đồng thời, vận động thực hiện bình đẳng nam, nữ không phân biệt con trai con gái vào hương ước, quy ước của thôn, xóm, bản, làng; tổ chức ký cam kết với các cơ sở y tế tư nhân, y tế công lập về không thông báo, lựa chọn giới tính thai nhi. Tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi với các cơ sở y tế trên địa bàn. Trong năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai 2 chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại vùng có mức sinh cao.
Với những giải pháp đặt ra, ngành Dân số Thái Nguyên kỳ vọng có thể sớm đạt và duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững, đáp ứng theo sự phát triển chung của cả nước…