Trong thời gian sống trong tử cung, mặc dù được mẹ bảo vệ nhưng thai vẫn có thể bị chết ở bất kỳ thời điểm nào.
Thai chết lưu trong trường hợp còn quá non tháng (1-2 tháng) có thể tự tiêu biến đi. Nhiều khi chính bà mẹ cũng không biết mình đã có thai và thai đã chết lưu. Nếu thai đã lớn thì sẽ sẩy (thai 3-6 tháng) hoặc đẻ (thai trên 6 tháng) ra ngoài. Tuy vậy, thời hạn từ khi thai chết đến lúc sẩy hoặc đẻ ở mỗi người một khác. Thông thường, thai chết ở tuổi thai càng lớn thì thời gian lưu lại trong buồng tử cung càng ngắn.
Sự ảnh hưởng của thai chết lưu trong tử cung
Điều nguy hiểm nhất đối với người bị thai chết lưu là ối bị vỡ sớm khi chưa có dấu hiệu sẩy hay chuyển dạ, vì qua nơi màng ối rách, vi khuẩn sẽ vào buồng ối và dạ con gây nhiễm khuẩn trầm trọng, lúc này có thể nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ.
Điều nguy hiểm thứ hai là khi thai lưu lại quá lâu trong dạ con (3-4 tuần trở lên) có thể gây ra tình trạng rối loạn đông máu dẫn đến băng huyết nặng ở người mẹ sau sẩy hoặc đẻ.
Thai chết lưu không những làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tổn thương tinh thần của người phụ nữ và gia đình, đặc biệt là những gia đình hiếm muộn. Vì vậy, việc khám sức khỏe, tiêm phòng trước khi mang thai và kiểm soát thai trong thời gian mang thai là hết sức quan trọng.
Một băn khoăn thường gặp của nhiều chị em là sau khi thai lưu bao lâu sau thì nên có thai lại và lần mang thai sau có bị thai lưu không? Về vấn đề này cần hiểu như sau: trường hợp thai phụ bị thai lưu thì sau 6 tháng mới nên có bầu tiếp. Thai phụ bị lưu thai cũng không nên lo lắng thái quá về việc sinh con. Thực tế có rất nhiều chị em tuân thủ nghiêm ngặt lời khuyên của bác sĩ và vẫn sinh ra những em bé khỏe mạnh bình thường. Người phụ nữ đã có tiền sử bị thai lưu thường được bác sĩ kê thuốc giữ thai ngay khi mới có thai để ngăn chặn tình trạng này xảy ra lần nữa.
Để phòng tránh tình trạng thai chết lưu, trước khi thụ thai, cả vợ và chồng cùng phải chú ý chế độ ăn uống, không dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, chè... Người mẹ cần tránh làm việc nặng, làm việc quá sức, tránh tiếp xúc với các loại hóa chất, môi trường ô nhiễm, ăn uống đầy đủ các dưỡng chất, nghỉ ngơi hợp lý, giữ cho tinh thần luôn được thoải mái và nhớ đi khám thai định kỳ để bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của người mẹ.