Thái Lan: Triệt đường chính trị của gia đình Shinawatra

24-10-2014 08:00 | Quốc tế
google news

Ngày 21/10, Hội đồng quốc gia cải tổ, một định chế do chính quyền quân sự Thái Lan lập ra họp phiên đầu tiên nhằm triệt tiêu ảnh hưởng của gia đình Shinawatra..

Ngày 21/10, Hội đồng quốc gia cải tổ, một định chế do chính quyền quân sựThái Lan lập ra họp phiên đầu tiên nhằm triệt tiêu ảnh hưởng của gia đình Shinawatra, mà từ nhiều năm qua, trong cuộc bầu cử nào cũng giành thắng lợi.

Trong phiên họp đầu tiên này, 250 thành viên của hội đồng chủ yếu sẽ soạn thảo một Hiến pháp mới cho Thái Lan với mục đích “giảm bớt thế lực của các chính đảng”. Tuyên bố với hãng tin AFP, một cựu thượng nghị sĩ từng tham giam tích cực vào các cuộc biểu tình cuối năm 2013 đầu 2014 dẫn đến cuộc đảo chính tháng 5 vừa qua lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra nói rằng, họ sẽ giảm bớt quyền lực của các chính đảng để gia tăng quyền lực của nhân dân.

Khó xóa được sự trung thành của dân nghèo đối với ông Thaksin.

Nhưng đối với những người chỉ trích chính quyền quân sự hiện nay, mục tiêu tối hậu của Hội đồng quốc gia cải tổ chính là triệt tiêu ảnh hưởng của gia đình Shinawatra. Từ năm 2001 đến nay, các chính đảng của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra vẫn giành thắng lợi trong mọi cuộc bầu cử cấp quốc gia. Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2011, đảng Puea Thai, đảng rất có thế lực của bà Yingluck, em gái của ông Thaksin cũng giành thắng lợi áp đảo, đưa bà lên cầm quyền. Nhưng từ sau cuộc đảo chính tháng 5/2014 đến nay, đảng Puea Thai và các lãnh đạo của đảng này đã phải im hơi lặng tiếng, bởi vì thiết quân luật, hiện vẫn còn hiệu lực ở Thái Lan, cấm mọi cuộc tập hợp chính trị cũng như hạn chế nghiêm ngặt các quyền tự do.

Bản Hiến pháp mới của Thái Lan sẽ bao gồm một điều khoản quy định là tất cả những người bị kết tội tham nhũng sẽ bị cấm làm chính trị. Điều khoản này đặc biệt nhắm vào ông Thaksin Shinawatra và các đồng minh của ông. Các thành viên của Chính phủ Thaksin hiện đang bị truy tố về tội tham nhũng và bản thân cựu Thủ tướng Thaksin cũng đang sống lưu vong để tránh bị kết án tù về tội tham nhũng. Phe bảo hoàng ở Thái Lan, trong đó có quân đội vẫn ghét cay ghét đắng Thaksin. Theo phân tích của GS. Khemthong Tonsakulrungruang thuộc Đại học Chulalongkorn, đa số các thành viên do chính quyền quân sự bổ nhiệm vào Hội đồng quốc gia cải tổ là những người chống Thaksin.

Chính quyền quân sự đã đề cập đến khả năng tổ chức bầu cử vào mùa thu năm 2015, nhưng nói ngay là bầu cử có được tổ chức vào thời điểm đó hay không còn tùy thuộc vào tiến độ “cải tổ” của hội đồng nói trên. Vấn đề là cho dù có triệt tiêu thế lực của các chính đảng của gia đình Shinawatra cũng sẽ không thể xóa đi được sự trung thành của dân nghèo nông thôn đối với nhà tỷ phú Thaksin, vì khi cầm quyền, cựu Thủ tướng Thái Lan đã thi hành những chính sách được xem là có lợi cho những thành phần thấp cổ bé miệng, những người bị gạt ra bên lề sự thịnh vượng của đất nước này.

Kể từ khi Hiến pháp Thái Lan được áp dụng vào năm 1932, hiếm có trường hợp nào các nhà lãnh đạo Chính phủ lại xuất thân từ cùng một gia đình, ngoại trừ trường hợp hai anh em nhà Pramoj – Seni và Kukrit đã thay nhau làm lãnh đạo trong thời kỳ chính trị hỗn loạn năm 1970. Tuy nhiên, họ lại thuộc hai đảng phái khác nhau và có những đường lối chính trị riêng biệt. Anh em nhà Shinawatra lại là một trường hợp khác. Gia đình Shinawatra đã tích lũy một bề dày chính trị lâu dài trước thời của Thaksin, Somchai và Yingluck là thế hệ thứ tư của gia đình Shinawatra.

Thaksin được xem là nhân vật chính trị gây tranh cãi nhất trong lịch sử chính trị gần đây của Thái Lan. Khi còn đương chức, chính sách của ông tập trung giúp đỡ nhóm người có thu nhập thấp và người dân ở nông thôn - bộ phận chiếm phần lớn cử tri và trở thành những người ủng hộ mạnh mẽ đảng của ông. Chính sách của ông Thaksin bao gồm chăm sóc sức khỏe, chương trình tín dụng vi mô cho các thôn làng và hoãn nợ cho người nông dân. Bà Yingluck, em gái út của ông Thaksin đến khi ứng cử chức Thủ tướng vẫn chịu cái bóng quá lớn và chi phối nhiều bởi người anh cả. Nhiều luồng ý kiến cho rằng, bà Yingluck thực chất chỉ là người đang thực hiện những chỉ đạo từ xa của ông Thaksin và người ta nghi ngờ việc ai mới thực sự là người nắm quyền Thủ tướng của Thái Lan.

(Theo The Nation, AFP)

Vũ Quỳnh

 


Ý kiến của bạn