Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Tiến sĩ Apichart Wachiraphan, Cục phó Cục Kiểm soát bệnh tật thuộc Bộ Y tế Thái Lan, cho biết hầu hết nạn nhân đều là người cao tuổi nhưng vẫn trong độ tuổi lao động, nông dân và lao động chân tay, nam giới tử vong nhiều hơn nữ giới. Các yếu tố nguy cơ tử vong do say nắng là uống nhiều rượu (62,1%), người mắc bệnh tiềm ẩn (49,2%) và người làm việc ngoài trời (27,6%).
Theo Tiến sĩ Apichart, bất kỳ ai có nhiệt độ cơ thể cao nhưng không đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh và mạnh, đau đầu, nói lắp bắp hoặc ngất xỉu thì được cho là bị say nắng.
Biện pháp điều trị sơ cứu bao gồm đặt nạn nhân trong bóng râm, nằm ngửa mặt và giơ cao hai chân, cởi bỏ đủ quần áo để có thể chườm khăn ngâm nước lạnh lên thân hoặc đặt đá viên dưới cổ và nách, dùng quạt điện làm mát nạn nhân. Nếu nạn nhân còn tỉnh, hãy cho họ uống nước hoặc điện giải và đưa họ đến bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt.
Ông cũng nhấn mạnh tuyệt đối không để trẻ em (hoặc thú cưng) trong ô tô dưới ánh nắng trực tiếp mà không có điều hòa bởi nhiệt độ bên trong ô tô có thể tăng đến mức nguy hiểm đến tính mạng trong vòng chưa đầy 20 phút nếu điều hòa không hoạt động.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Apichart khuyến cáo người dân tránh mọi hoạt động dưới ánh nắng trực tiếp, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 11h sáng đến 3h chiều, để hạn chế nguy cơ bị say nắng.