Chương trình Đối thoại ASEAN "Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Thái Lan và Vai trò của ASEAN trong sự phát triển của quốc gia và khu vực" vừa mới diễn ra ngày 27/9 tại Học viện Ngoại Giao, Hà Nội. Diễn giả chính là ông KaviChongkittavorn, chủ mục tờ Bangkok Post, Chuyên gia Viện nghiên cứu an ninh và quốc tế (Đại học Chulalongkorn, Thái Lan) và Đại sứ Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Tại đối thoại, hai diễn giả đã đưa ra tầm nhìn và những thách thức mà ASEAN sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.
Là người bạn lâu năm thân thiết của Việt Nam, ông Kavi Chongkittavorn đã theo sát những thành tựu phát triển của Việt Nam suốt 33 năm qua và kể từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN.
Ông Kavi Chongkittavorn cho biết, trong nhiệm kỳ Chủ tịch vừa rồi, Thái Lan đã đề ra Tầm nhìn ASEAN 2040 trong khuôn khổ chiến lược ASEAN, đây là văn kiện cần hoàn chỉnh trong thời gian tới. "Các bạn Việt Nam sẽ tích hợp tầm nhìn này với khuôn khổ còn tồn tại. Ví dụ liên quan tới hàng hải mà ASEAN có thể hiện thực hóa ở tầm nhìn rất cao", ông cho biết. Từ Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) trong ASEAN, Thái Lan trong năm nay đã cố gắng tạo ra môi trường thuận lợi cho COC (Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông) giữa ASEAN với Trung Quốc. Với cuộc họp thứ 2 sẽ diễn ra ở Hà Nội, Tuyên bố Biển Đông sẽ là vấn đề nóng. Hy vọng Việt Nam trên vai trò Chủ tịch ASEAN sắp tới có thể thúc đẩy thuận lợi COC.
Góp phần nâng cao uy tín ASEAN
Cựu trợ lý cho Tổng Thư ký ASEAN Kavi Chongkittavorn cho biết diễn biến trên thế giới có nhiều biến động sẽ tác động tới khu vực ASEAN và là mối quan tâm của ASEAN trong thời gian tới.
Theo chuyên gia về ASEAN lâu năm Kavi Chongkittavorn, trong thời gian sắp tới, các vấn đề như phát triển nội khối, những vấn đề chính trị như quan hệ Mỹ-Triều, cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung: cơ hội và thách thức sẽ vấn nằm trong mối quan tâm chung của ASEAN.
Ông KaviChongkittavorn, chủ mục tờ Bangkok Post, Chuyên gia Viện nghiên cứu an ninh và quốc tế (Đại học Chulalongkorn, Thái Lan), cựu trợ lý Tổng Thư ký ASEAN
Chuyên gia Kavi Chongkittavorn đánh giá cao vai trò của Việt Nam. Theo ông, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trump-Kim tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên đã giúp giải tỏa ban đầu mối quan hệ giữa hai nước này. Thượng đỉnh Trump-Kim đã ghi dấu ấn Hà Nội lên bản đồ cho tương lai hòa bình, ổn định khu vực và thế giới.
Bản thân ông Kavi Chongkittavorn từng là trợ lý cho Tổng Thư ký ASEAN khi Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995. Ông từng tin tưởng vào Việt Nam từ ngày những ngày đầu tiên mà Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan dẫn đầu đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập ASEAN. Trong những năm qua kể từ khi trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam đã tỏ ra rất sáng tạo, tiên phong trong nhiều ý tưởng đưa ASEAN kết nối với các khu vực rộng lớn hơn như hợp tác Á Âu (ASEM),...
Chiến lược ASEAN trong thời gian tới còn có Tầm nhìn Indo Pacific (Tầm nhìn Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương) mà Thái Lan trong nhiệm kỳ vừa qua đã chú trọng tới. Và một điểm rất quan trọng nữa trong ASEAN là thúc đẩy nội khối. Điểm thứ 2 trong tuyên bố của Chủ tịch ASEAN chính là thông qua điểm nóng khu vực. ASEAN đã rất đoàn kết trong năm vừa qua. Cùng với Indonesia, Việt Nam có vị trí ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, góp phần nâng cao uy tín của ASEAN, ông Kavi Chongkittavorn cho biết.
Mở rộng hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các đối tác khác
Ông Kavi Chongkittavorn cho rằng, Việt Nam đã trở thành hình mẫu về phát triển và cải cách kinh tế. Năm 2020, năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN cũng trùng với kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Việt Nam với kinh nghiệm mở rộng hợp tác về kinh tế như Hiệp định Thương mại Tự do song phương Việt Nam-EU (FTA) vừa mới ký kết, thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trên cương vị là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, hy vọng Việt Nam sẽ trở thành cầu nối mở ra những tiềm năng mới cho ASEAN.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, những thay đổi, thách thức toàn cầu như cửa sổ dịch chuyển của thế giới, đòi hỏi chúng ta phải tìm ra con đường. Cạnh tranh Thương mại Mỹ-Trung, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đa phương, tự do hóa thương mại đã tác động đến khu vực cũng như là cơ hội để ASEAN chung tay hướng tới. Trong cuộc chiến công nghệ như hiện nay, có những vấn đề ASEAN cần quan tâm như bạn không thể xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ nếu như có linh kiện sản xuất tại Trung Quốc chẳng hạn. Hoặc trong công nghệ 5G, cũng cần phải kiểm tra rất nghiêm túc.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Đối thoại ASEAN "Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Thái Lan và Vai trò của ASEAN trong sự phát triển của quốc gia và khu vực" tại Học viện Ngoại giao, Hà Nội
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, trong thế giới công nghệ với 1,3 tỷ người sử dụng không gian ảo; 1,6 tỷ người sử dụng cấp độ thấp hơn, hợp tác đa phương để hưởng lợi từ phát triển kinh tế, phát triển công nghệ rất quan trọng. Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ tiếp tục Tầm nhìn lớn hơn của ASEAN mà Thái Lan đã đề ra về mở rộng hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bởi khu vực này đóng vai trò địa chính trị quan trọng. Hiệp ước TAC mà ASEAN đã xây dựng là bộ quy tắc ứng xử rất tốt, trong thời gian tới, sẽ mở rộng giá trị của TAC với tất cả các đối tác của ASEAN. Khu vực ASEAN sẽ đóng vai trò quan trọng hơn với chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng cần đưa TAC thành tầm nhìn mạnh mẽ hơn. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN kế tiếp, Việt Nam sẽ chung tay cùng các nước ASEAN để biến tầm nhìn thành hiện thực. Định hướng FTA (Hiệp định song phương) chất lượng cao, kết nối ASEAN với 6 quốc gia Đông Á,... ASEAN chúng ta đã có các hiệp định song phương FTA với một số đối tác và RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực ký giữa ASEAN với 6 quốc gia gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). Bên lề Đối thoại, Đại sứ Phạm Quang Vinh trong phần trả lời phỏng vấn báo giới còn cho biết với mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam với các đối tác truyền thống, thậm chí trong tương lai, Việt Nam còn có thể trở thành cầu nối mở rộng quan hệ hợp tác giữa ASEAN với Nga, cường quốc về khoa học công nghệ.