Sau khi được Vua Maha Vajiralongkorn phê chuẩn, luật đã được công bố trên Công báo Hoàng gia và sẽ có hiệu lực sau 120 ngày.
Điều này đồng nghĩa từ tháng 1/2025, các cặp đôi LGBTQ+ có thể chính thức đăng ký kết hôn, giúp Thái Lan trở thành quốc gia/ vùng lãnh thổ thứ 3 ở châu Á, sau Đài Loan (Trung Quốc) và Nepal, hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Dự luật mang lại đầy đủ các quyền lợi pháp lý, tài chính và y tế cho các cặp đôi, không phân biệt giới tính. Dự luật đã được thông qua bởi cả Hạ viện và Thượng viện Thái Lan trong các phiên họp vào tháng 4 và tháng 6 năm nay.
Trên mạng xã hội X, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra có bài viết: "Chúc mừng tình yêu của tất cả mọi người", kèm theo hashtag #LoveWins.
Việc thông qua luật hôn nhân bình đẳng là kết quả của hàng thập kỷ đấu tranh, cộng đồng LGBTQ+ cho biết họ vẫn đối mặt với sự kỳ thị trong cuộc sống hàng ngày.
Phó Thống đốc Bangkok, Sanon Wangsrangboon, đã tuyên bố vào tuần trước rằng thành phố sẵn sàng đăng ký kết hôn cho các cặp đôi đồng giới ngay khi luật có hiệu lực.
Luật này đã sửa đổi Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan, thay thế các từ chỉ giới tính như "nam" và "nữ" bằng những thuật ngữ trung lập như "cá nhân."
Chính phủ do đảng Pheu Thai lãnh đạo đã cam kết đặt vấn đề bình đẳng hôn nhân là một trong những ưu tiên hàng đầu. Đảng đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cộng đồng LGBTQ+, đặc biệt trong cuộc diễu hành Bangkok Pride tháng 6 vừa qua, thu hút hàng nghìn người tham gia tại trung tâm thành phố.
Ban tổ chức Bangkok Pride cũng thông báo trên Facebook rằng họ sẽ tổ chức các lễ cưới cho cặp đôi đồng giới ngay trong ngày luật có hiệu lực, đánh dấu thêm một bước tiến quan trọng cho phong trào bình đẳng hôn nhân tại Thái Lan.
Từ khi Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên cho phép hôn nhân đồng giới vào năm 2001, hơn 30 quốc gia trên thế giới đã hợp pháp hóa hôn nhân cho mọi người, bất kể giới tính.