Thai góc tử cung là gì?
Bình thường, thai làm tổ ở giữa buồng tử cung, nhưng vì một lý do nào đó mà thai làm tổ ở một góc thì lúc đó gọi là chửa góc tử cung hay chửa sừng tử cung.
Khi thai phát triển to dần, vị trí kẽ vòi tử cung không còn phù hợp với kích cỡ này của thai nên cơ tử cung ở đoạn góc sừng sẽ bị phồng và giãn ra, tới một mức độ nhất định, có thể là vài tuần hoặc có trường hợp thai tồn tại đến 4 hoặc 5 tháng khối thai sẽ vỡ và chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, gây nguy hiểm tính mạng sản phụ.
Mới đây, các bác sĩ TTYT huyện Thanh Sơn, Phú Thọ vừa phẫu thuật cho một bệnh nhân mắc bệnh lý này. Bệnh nhân nhập viện với biểu hiện chậm kinh 2 tuần kèm đau bụng âm ỉ. Sau khi được bác sĩ thăm khám, người bệnh được chẩn đoán chửa góc sừng và được chỉ định phẫu thuật cắt khối chửa góc sừng.
Hiện sau phẫu thuật 5 ngày sức khỏe người bệnh dần hồi phục và đã được xuất viện.
Điều trị thế nào?
BSCKI. Dương Thị Thúy Lanh - Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (TTYT huyện Thanh Sơn) cho biết: Việc phẫu thuật chửa ngoài tử cung đặc biệt là thai góc sừng tử cung tương đối khó do phải mở góc sừng để lấy khối thai ra và khâu lại, nhưng khi có thai thì mạch máu tăng sinh, bất kỳ can thiệp nào tới khối thai cũng sẽ gây chảy máu, có thể không cầm được máu bắt buộc phải cắt tử cung của người bệnh.
Vì vậy, phẫu thuật nội soi thắt túi và cắt góc là phương pháp tối ưu giúp người bệnh hạn chế bị chảy máu, mất máu trong quá trình phẫu thuật, sau mổ, người bệnh cũng ít đau và phục hồi sức khỏe nhanh hơn so với phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở.
Nên khám thai định kỳ và sớm để phát hiện bất thường
Bác sĩ Lanh cũng khuyến cáo, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là với những người đã từng sinh mổ khi thấy chậm kinh từ 07 - 10 ngày cần đi siêu âm để xác định chính xác vị trí làm tổ của thai.
Với những vị trí bất thường như thai làm tổ ở vòi tử cung, ở góc sừng/đoạn kẽ hoặc làm tổ ở đoạn ống cổ và vết mổ nếu được xử trí sớm thì sẽ tránh được các biến chứng sảy hoặc vỡ gây choáng do đau và mất máu.