Hà Nội

Thái độ với truyền thông

09-02-2015 14:47 | Tin nóng y tế
google news

Tôi khá ngỡ ngàng khi vừa được Bộ Y tế mời gặp để trao đổi về tình hình truyền thông trong y tế. Bất ngờ hơn nữa, từ Bộ trưởng đến một số lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ đều biết đến các bài viết của tôi, dù đó chỉ là những chia sẻ đời thường của một bác sĩ chuyên phẫu thuật cột sống trên trang Facebook

Mặc dù phải chuẩn bị tiếp đặc phái viên của Thủ tướng Abe (Nhật Bản) về việc xây dựng khu y tế kỹ thuật cao, bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn dành thời gian để trao đổi với tôi những vấn đề về y tế hiện nay, đặc biệt là việc giảm tải bệnh viện. Qua cuộc nói chuyện, tôi hiểu bà đã đọc những ý kiến của mình về vấn đề này. Tôi cũng rất tâm đắc với nhận định của bà rằng, vấn đề giá dịch vụ y tế của Việt Nam hiện nay là một trong các yếu tố làm cho y tế Việt Nam chưa thể phát triển được. Như vậy, trong ngành y, chúng tôi khá thống nhất với nhau trong nhìn nhận vấn đề. Chỉ có điều, làm sao cho người dân và dư luận hiểu được những khó khăn của ngành, từ đó, chúng tôi có được sự ủng hộ của người dân, dư luận để làm cho y tế đất nước phát triển hơn. Theo bà Bộ trưởng, thời gian qua, việc người dân còn chưa hiểu rõ ngành y tế, đặc biệt là có thái độ, phản ứng không tốt với những tai biến y khoa có phần lỗi của ngành y - đó là chưa làm tốt công tác truyền thông, chưa làm cho người dân hiểu được những yếu tố đặc thù của ngành và những khó khăn của y tế Việt Nam hiện nay.

Trong cuộc gặp thân mật, tôi cũng biết thêm một chi tiết thú vị, đó là vào các buổi giao ban ở Bộ, các bài báo, bài viết trên mạng xã hội về ngành y thường được các lãnh đạo Bộ mang ra đọc và thảo luận. Hai vị Cục trưởng của hai lĩnh vực liên quan đến truyền thông nhiều nhất cùng hai vị lãnh đạo cấp Vụ trưởng đã khẳng định, họ luôn cởi mở thông tin với báo chí. Ngoài ra, mạng xã hội cũng sẽ là kênh hữu hiệu giúp họ lắng nghe ý kiến dân phản ánh, phát hiện những sai sót để xử lý kịp thời.

Khoan nói về quan điểm, vấn đề đúng sai trong công việc, trong quản lý, bằng những việc làm như trên, tôi cho rằng, Bộ Y tế đã thể hiện một thái độ đúng đắn và phù hợp với xu thế của thời đại, đó là đối thoại thông qua truyền thông. Bộ không chỉ quan tâm đến hệ thống báo chí truyền thống, mà còn chú ý đến cả những phản ứng của truyền thông xã hội. Một người như tôi, chủ một phòng khám tư nhân nhỏ, với quyền hành trong tay, Bộ Y tế cũng như bà Bộ trưởng có thể bắt ép tôi gỡ bỏ những bài viết phản ánh bất cập của ngành y, hay viết theo ý kiến của lãnh đạo bất cứ lúc nào. Nhưng họ đã không làm vậy, mà chọn cách đối thoại. Tôi nghĩ đây quả là sự chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy của lãnh đạo. Một vị Cục trưởng đã hẹn gặp tôi để giải thích cho tôi thêm về cách giảm tải bệnh viện của Bộ. Bộ trưởng và thư ký của bà cũng đã cho tôi biết thêm những số liệu thống kê thăm dò, quá trình để đi đến quyết định chống nằm ghép…

Thời gian vừa qua, trong dư luận có rất nhiều phản ứng không tốt đối với y tế, thậm chí hiện tượng bạo hành nhắm vào nhân viên y tế có chiều hướng gia tăng. Tôi hy vọng rằng với sự thay đổi mạnh mẽ trong công tác truyền thông y tế, y tế Việt Nam sẽ được người dân và dư luận hiểu rõ hơn, để từ đó phát triển ngày càng lớn mạnh, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao, ngày càng đa dạng về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, mang lại sự hài lòng cho người dân, góp phần làm cho đất nước ta trở nên đáng sống hơn.

Và tôi cũng mong mỏi lắm các cơ quan quản lý khác cũng chọn đối thoại làm phương pháp giao tiếp với người dân, với dư luận, hơn là sử dụng những biện pháp cấm đoán.

Võ Xuân Sơn

 

 

 


Ý kiến của bạn