Thái độ văn hóa trong đánh giá đóng góp của thầy thuốc

07-11-2011 8:25 AM | Y tế

Tôi rất thú vị khi có ý kiến đặt vấn đề về văn hoá bệnh viện và chỉ ra mâu thuẫn của nghề nghiệp trước hoàn cảnh, đó là thiên chức người thầy thuốc và sự khó khăn của tài chính khi đất nước và nhân dân còn nghèo.

Tôi rất thú vị khi có ý kiến đặt vấn đề về văn hoá bệnh viện và chỉ ra mâu thuẫn của nghề nghiệp trước hoàn cảnh, đó là thiên chức người thầy thuốc và sự khó khăn của tài chính khi đất nước và nhân dân còn nghèo. Mâu thuẫn này cần được cả xã hội giải quyết và trong đó tôi thấy ngành y tế đã cố gắng nhiều lắm để tháo gỡ khó khăn này.

Cơ chế nào thì khi có bệnh tật đau ốm, người dân đều khổ cả. Người bệnh nằm viện đều phải vay mượn để chữa trị. Người là trụ cột gia đình khi ốm thì cả nhà lao đao. Chắc ở các nước phát triển cũng vậy vì khi người kiếm tiền chính trong nhà nằm viện thì tài chính gia đình cũng thiếu hụt. Vậy thì chả cứ ở nước ta mà cả nhân loại đều mong không bị ốm.

Muốn không ốm thì môi trường sống phải “khỏe” và ngành y tế đã làm rất nhiều, thậm chí chữa bệnh cả lúc người ta không ốm. Trẻ chưa ra đời đã được quan tâm ngay từ trong bụng mẹ. Chị em có thai được vận động thăm khám thai thường xuyên. Trạm y tế xã bây giờ khác xưa nhiều lắm. Bàn đẻ, nồi hấp vô trùng đã có. Vì khám thai thường xuyên nên sản phụ có khả năng đẻ khó sẽ được tư vấn để đẻ trên huyện, trên tỉnh. Thậm chí có chị bị bệnh tim phải lên Hà Nội nằm viện chờ đẻ cả tuần đến lúc trở về mẹ tròn con vuông thì không gì sung sướng bằng. Trẻ sơ sinh và sản phụ tử vong bây giờ cũng ít hẳn trong khi ngày xưa chuyện vượt cạn là nỗi kinh hoàng, vậy các cụ mới bảo gái chửa cửa mả.

Các cháu ra đời và lớn lên được tiêm chủng miễn phí các loại. Người được chăm sóc có khi còn “lười” và y tế còn phải kết hợp với chính quyền để vận động. Lo việc nhà khác như việc của mình cũng là y đức và y tế cơ sở đã làm được điều này.

Tôi không ở ngành y tế nên không biết có bao nhiêu bác sĩ về xã nhưng chắc chắn nhiều năm gần đây, số các xã có bác sĩ tăng lên rất nhiều. Đấy cũng là trách nhiệm đối với xã hội, với nhân dân của các thầy thuốc và của Bộ Y tế. Không những thế, thầy thuốc còn là những nhà văn hoá kiên trì xây dựng Làng văn hóa-Sức khỏe để việc tuyên truyền giữ gìn sức khỏe đi vào cuộc sống một cách tự nhiên.

 Kết quả rất rõ ràng là vùng tôi bao năm nay không hề có dịch. Cả nước cũng hạn chế được rất nhiều dịch bệnh. Những dịch bệnh có “tính quốc tế và khu vực” như SARS, cúm gà (là do bên ngoài đưa vào) đã được ngăn chặn ngay. Thật tự hào khi một đất nước nghèo khó như ta, y tế còn thiếu thốn đủ thứ nhưng là nước đầu tiên dập được dịch SARS và đem kinh nghiệm này phổ biến cho bè bạn đang có dịch như ta.

Chuyện phong bì ở đâu tôi không biết nhưng xã tôi tuyệt nhiên không hề có chuyện này. Bà con nghèo lắm, làm gì có tiền mà đút lót. Biếu bác sĩ chục trứng, con gà thì có nhưng là lúc khỏe mạnh để tỏ lòng biết ơn thôi. Nhân viên y tế xã tôi như anh Huyên bác sĩ, chị Thanh y tá rồi bà Thanh đỡ đẻ rất là tốt. Họ cũng nghèo như chúng tôi và vì thế nên rất thương yêu nhân dân, người bệnh chăng.

Tôi muốn nói đến đường lối y tế của chúng ta rất đúng. Kinh tế thị trường là muốn gì cứ việc bỏ tiền ra nhưng Nhà nước và Bộ Y tế cho không nhiều thứ lắm, nhất là chuyện đầu tư cho việc phòng bệnh. Đường lối ấy đã mang tính y đức rồi.

Y tế trong cơ chế thị trường nhưng vẫn giữ được y đức trong đường lối với những nỗ lực rất cụ thể của Nhà nước và Bộ Y tế. Đây đó cũng có chuyện hạch sách bệnh nhân ở các bệnh viện tỉnh thành nhưng chắc số đó không nhiều. Tất nhiên, ngành y tế phải tìm ra và xử lý nghiêm như bên công an, Thanh tra Công an trên Bộ hoá trang và bắt quả tang CSGT làm luật trên đường với lái xe để đưa ra khỏi ngành. Chỉ nhìn những hiện tượng cụ thể khác nào chỉ thấy cây mà không thấy rừng.Và đánh giá đúng công sức của thầy thuốc cũng như đóng góp của ngành y tế với xã hội cũng là văn hoá bệnh viện đấy chứ! 

Nguyễn Thị Bản (Tùng Thiện - Sơn Tây - Hà Nội)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH