Video bãi xử lý rác thải tại xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Gia đình ông Phạm Quốc Tuấn ở thôn Dương Liễu 2, xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình nằm đối diện bãi chôn lấp rác thải của xã Vũ Công (huyện Kiến Xương), chỉ cách con sông Kem rộng chừng 20m.
Theo ông Tuấn, bãi rác này đã xây dựng được khoảng chục năm nay, thì gần chục năm đó người dân bên kia bờ sông phải sống cùng với khói rác, mùi hôi thối và ruồi nhặng. Mấy năm đầu thì rác được chôn lấp, nhưng vài năm trở lại đây, lượng rác tích tụ lại đầy không còn chỗ lấp, nên họ cứ đổ tràn lên trên mặt, khi nào xe rác không vào được nữa thì họ lại đốt cho vơi đi, xong máy múc, máy gạt đến ủi ra sau. Rác cháy suốt ngày suốt đêm liên tục. Những ngày gần đây do trời mưa ẩm nên lửa không bùng to chỉ âm ỉ cháy.
Bế đứa cháu 3 tuổi trên tay, ông Tuấn dẫn chúng tôi (phóng viên) đi ra sau nhà, chỉ tay vào bãi rác bên kia sông nói: "Đấy các chú xem, mỗi lúc bên kia họ đốt rác thì nguyên cả một khu bên này sông tha hồ ngửi khói. Gió bấc (Bắc) thì khói thổi sang đây, còn gió Đông thì hất sang Vũ Bình.
Có những đêm họ đốt đỏ rực cả trời, khói cuồn cuộn lên nhìn phát sợ. Cả một khu vực trong bán kính chừng 2km quanh đây như có sương mù. Mà khói này có phải khói thường đâu, toàn túi nilong với rác thải nhựa, mùi khét không chịu được. Có lúc đang ăn cơm cũng phải bỏ".
Chỉ vào những cánh cửa gỗ đã được gia cố kín mít, ông Tuấn kể, trước đây cửa nhà lúc nào cũng muốn để thông thoáng cho mát, nhưng giờ tất cả đều phải đóng kín, không lúc nào dám mở ra. Nhà có 2 cháu nhỏ mới 2-3 tuổi, lắm hôm bãi rác đốt khói quá không chịu được ông phải cho đi lánh chứ người lớn còn không thở được nói gì trẻ con. Đợt cuối năm vừa rồi, các cháu nhà ông ốm liên tục. Không biết do tuổi tác hay do khói rác mà từ hơn 1 năm nay, ông nhiều lúc thấy tức thở như người bị hen.
Chỉ tay xuống nền sân lát gạch rải rác xác ruồi nhặng, ông Tuấn nói: "Nào có phải mỗi khói đâu, ruồi nhặng mới khổ. Đấy tôi vừa phun thuốc xong, mới một lúc mà nó đã chết đầy sân rồi. Có khi quét ra cả cân ruồi. Chán không muốn quét nữa. Sắp nắng lên rồi, mùa này là mùa kinh khủng nhất của ruồi".
Vừa nói, ông Tuấn vừa cho chúng tôi xem một chậu nước đầy những con nhặng xanh. Từ ngày bãi rác về đây, ruồi nhặng lúc nào cũng đầy nhà, hàng đàn như ong, đánh không xuể.
"Nhà mỗi lần có công có việc, có cỗ bàn là ngại không dám mới khách đến. Người ở gần thì quen rồi nên họ biết chứ ở xa về họ nhìn ruồi nhặng nhiều như thế này họ sợ không dám ở.
Dân ở quanh đây cũng ý kiến với chính quyền nhiều lắm rồi, có phải mới đây đâu mà bao nhiêu năm rồi nhưng vẫn thế. Không đỡ hơn là bao. Có dạo trước họ đốt khói quá, dân người ta ý kiến nên xã bên kia mới thuê người bơm nước để dập lửa, phải mang cả xe bồn đến nhưng cũng không dập hết được. Nhưng cũng chỉ được 2-3 ngày rồi lại đốt.
Giờ khổ như thế này cũng phải chịu thôi chứ biết làm sao được. Đi không được, ở không xong. Cái gì còn dời đi được chứ nhà cửa ở đây thì mình đi đâu được? Mà đi thì nhà cửa bán cho ai, mình còn chả ở được nữa là người khác?", ông Tuấn than thở.
Anh Phạm Văn Tới (con trai ông Tuấn) bức xúc kể lại: "Lắm hôm họ đốt khói đen ngút trời luôn, mưa cũng đốt. Đêm ngủ đóng cửa nhưng không thể kín được, khói bay cả vào phòng khiến trẻ con không ngủ được. Có những tối tôi đi làm về họ đốt không thở được, phải chạy sang nhà ông chú ở tạm.
Đợt vừa rồi tôi có nghe bảo là sẽ chuyển bãi rác này đi nhưng rồi cũng chẳng thấy đâu. Ít ra nếu chưa chuyển được thì đừng đốt nữa thì chúng tôi còn đỡ khổ. Chứ cứ như thế này chúng tôi ở đây cũng chết non thôi!"
Gia đình chị Nguyễn Linh Nhi (thôn Dương Liễu 2, xã Minh Tân) nhiều năm nay cũng chịu chung "số phận" như nhà ông Tuấn. Chỉ vào vỉ bẫy ruồi đen kín đặt trên bếp, chị Linh bảo: "Đấy anh xem, ruồi nhặng đánh mãi không hết. Nấu cơm lúc nào cũng phải nhanh nhanh gọn gọn lên không nhặng bâu đầy".
"Một tháng tôi tốn không biết bao nhiêu tiền thuốc đánh ruồi. Đây lọ này tôi mới mua 80 nghìn mà xịt được buổi sáng đã hết hơn một nửa rồi. Mà ngày nào cũng phải xịt. Xịt nhiều cũng sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng phải chấp nhận thôi, không thì ruồi nó bâu thì cũng chết. Nhà tôi con thơ nhưng cũng không dám ở, phải xuống ngoại vì khói quá. Đốt như sương mù luôn" - chị Nhi nói.
Bên kia sông Kem là khu dân cư thôn Nguyệt Lâm 2, xã Vũ Bình, nhà gần nhất chỉ cách bãi rác của xã Vũ Công một cây cầu, chỉ khoảng 30m.
Khu bãi trồng hoa màu của gia đình ông Nguyễn Văn Cường nằm ngay cạnh bãi rác nên nhiều năm nay, ông đã quá quen với việc đốt rác ở đây..
Theo ông Cường, rác chở đến đổ đầy sân bê tông, lúc nào xe rác không đổ được nữa thì lại đốt, xong máy múc lại đến gạt ra đằng sau.
"Bình thường nó cháy khói bốc lên như khói của một nhà máy, đen xì xì, cuồn cuộn như một con tàu cháy. Đứng đằng xa còn phát hiện được. Còn mưa ẩm thì nó cháy âm ỉ suốt ngày suốt đêm" – ông Cường tả lại.
Một cơn gió kéo theo mùi khói rác khét lẹt thổi thẳng về phía ông Cường và chúng tôi, khó chịu đến mức phải cởi khẩu trang ra để ho. Ấy thế mà ông Cường lại cười bảo: "Như thế này đã ăn thua gì. Lắm hôm trời nắng thở còn chẳng được nữa là đeo khẩu trang. Mùa này đang gió Đông, khu này hứng cả. Bức xúc lắm".
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Sức khoẻ và Đời sống, bãi xử lý rác thải của xã Vũ Công nằm ở cuối cánh đồng, nhưng lại rất gần với khu dân cư 2 xã Vũ Bình và Minh Tân (huyện Kiến Xương). Vào thời điểm phóng viên có mặt, lửa tại bãi rác xã Vũ Công đã không còn cháy to, nhưng vẫn cháy âm ỉ, bốc khói bay thẳng về hướng khu dân cư. Tàn tích của các vụ cháy trước đó vẫn còn hiện rõ ở đây. Cây cối xung quanh đều bị lửa thiêu rụi.
Dưới đây là một số hình ảnh mà phóng viên ghi nhận.