Hà Nội

Thái Bình dẫn đầu cả nước trong loại trừ bệnh phong

10-09-2014 14:41 | Thời sự
google news

SKĐS - Kiến Xương và Quỳnh Phụ đã được công nhận là 2 huyện đầu tiên của tỉnh Thái Bình và toàn quốc đạt tiêu chí loại trừ bệnh phong cấp huyện theo Thông tư số 17 của Bộ Y tế.

Ngày 10/9/2014, Sở Y tế Thái Bình tổ chức Hội nghị công bố kết quả kiểm tra loại trừ bệnh phong theo Thông tư số 17/2013/TT-BYT ngày 6/6/2013 của Bộ Y tế. PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, đồng chí Cao Thị Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị. Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện bệnh viện, trung tâm da liễu của 18 tỉnh trong cả nước.

Báo cáo tại Hội nghị, BS. Bùi Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Da liễu Thái Bình cho biết, sau 2 ngày làm việc của Hội đồng kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong cấp huyện của tỉnh, 2 huyện Kiến Xương và Quỳnh Phụ đã đạt tiêu chí loại trừ bệnh phong cấp huyện theo Thông tư số 17 của Bộ Y tế.

PGS.TS. Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, Chủ nhiệm dự án phòng chống phong quốc gia cho biết, đây là 2 huyện đầu tiên trên toàn quốc đạt tiêu chí loại trừ bệnh phong ở cấp huyện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Trước đây, năm 1983, tỉnh Thái Bình là tỉnh đầu tiên áp dụng đa hoá trị liệu của Tổ chức Y tế Thế giới và đã đạt kết quả khả quan. Nhờ áp dụng chiến lược thanh toán phong từng vùng và áp dụng đa hoá trị liệu, Thái Bình là tỉnh đầu tiên đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong cấp tỉnh vào năm 1995 theo Tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới và Thái Bình cũng là tỉnh đầu tiên được công nhận loại trừ bệnh phong tuyến tỉnh năm 2004 theo 4 tiêu chuẩn của Việt Nam, mà hiện nay 11 tỉnh chưa đạt.

Về loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện có tiêu chuẩn khó đạt hơn quy mô cấp tỉnh, đó là tiêu chí 4, tiêu chí về nhà ở và quan hệ xã hội của người bị bệnh phong. Sở dĩ Thái Bình làm tốt Chương trình này là do sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của ngành y tế và thông tin truyền thông, giáo dục sức khỏe, giảng dạy bệnh phong trong nhà trường, huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác phòng chống phong rất tốt.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những nỗ lực của các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp tỉnh Thái Bình cùng với sự tham mưu, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế và chuyên ngành phòng chống phong và da liễu của tỉnh đối với công tác loại trừ bệnh phong.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên chỉ đạo, ngành y tế tỉnh Thái Bình tiếp tục hoàn thành kế hoạch loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện năm 2015 theo kế hoạch đã được phê duyệt, đồng thời hai huyện Kiến Xương và Quỳnh Phụ đã đạt được tiêu chuẩn loại trừ năm 2014 không được chủ quan, lơ là hoạt động phòng chống bệnh phong. Hiện nay bệnh phong vẫn chưa có vacxin phòng bệnh và tỷ lệ lưu hành ở 1 số khu vực trong nước vẫn ở mức độ cao nhất là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình cam kết sẽ tiếp tục tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện còn lại thưc hiện đúng kế hoạch loại trừ bệnh phong cấp huyện năm 2015, đồng thời thành lập Bệnh viện Da liễu trên cơ sở Trung tâm Da liễu tỉnh để tiếp tục mở rộng và phát triển lĩnh vực phòng chống phong, bệnh da liễu, hoa liễu và tiếp tục duy trì thành quả đã đạt được bền vững.

Theo Thông tư số 17/2013/TT-BYT ngày 6/6/2013 của Bộ Y tế, để đạt được loại trừ bệnh phong tuyến huyện, phải đạt 4 tiêu chí gồm:

(1) Tỷ lệ lưu hành bệnh phong dưới 0,2/10.000 dân

(2) 100% người bệnh phong khuyết tật được chăm sóc khuyết tật và phục hồi chức năng

(3) 100% người bệnh phong được hoà nhập cộng đồng và không có sự phân biệt đối xử, kỳ thị người bệnh phong

(4) 100% người bệnh phong nghèo có khuyết tật đặc biệt nặng hoặc khuyết tật nặng có nhà ở.

Trong 4 tiêu chí trên, tiêu chí người bệnh phong có nhà ở là một tiêu chí đặc biệt có ý nghĩa, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, sự vào cuộc của các cấp uỷ, lãnh đạo và sự tham gia của toàn dân.

Trọng Khoa


Ý kiến của bạn