Hà Nội

Thái Bình chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè

30-05-2014 12:40 | Thời sự
google news

SKĐS - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có chuyến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh; An toàn vệ sinh thực phẩm; Phòng chống HIV/AIDS tại tỉnh Thái Bình.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có chuyến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh; An toàn vệ sinh thực phẩm; Phòng chống HIV/AIDS tại tỉnh Thái Bình.

Ngày 29/5/2014, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có chuyến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại tỉnh Thái Bình.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long thăm bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long thăm bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện.

Thứ trưởng và đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của trạm, Công tác phòng chống Bệnh tay chân miệng, bệnh Sởi, Sốt xuất huyết, Vệ sinh môi trường, An toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác …tại Trạm Y tế Xã Đông Thọ, Trung tâm y tế Thái Bình, TP. Thái Bình và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Thứ Trưởng đánh giá cao kết quả chất lượng khám và chăm sóc sức khỏe nhân dân và điều trị cho bệnh nhân nhi trong thời gian qua, hầu hết bệnh nhân đều được điều trị khỏi không phải chuyển lên tuyến trên, không có tử vong, nâng cao quy trình khám chữa bệnh, giảm tải, tận dụng triệt để các phòng cho bệnh nhân; tiếp tục tổ chức quy trình phòng lây nhiễm chéo để tránh tử vong, phân luồng, phân tuyến rà soát lại tất cả các trang thiết bị. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị bệnh viện cần phải làm tốt hơn nữa, nhất là khâu đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ bác sỹ toàn bệnh viện về cách phòng chống lây chéo, sàng lọc bệnh, phân tuyến, thành lập khu cách ly biệt lập, đồng thời có phương án phòng, chống, cách ly khi có dịch lớn xẩy ra.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu chỉ đạo.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu chỉ đạo.

Làm việc với UBND tỉnh Thái Bình và Sở Y tế tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh không xẩy ra dịch lớn, ghi nhận một số bệnh truyền nhiễm với số mắc rải rác tại các huyện, thành phố như sởi, sốt phát ban, tay chân miệng, thủy đậu… Tính đến nay  toàn tỉnh đã ghi nhận bệnh cúm và hội chứng cúm: Ghi nhận 15.670 trường hợp mắc, kết quả xét nghiệm 36/240 mẫu bệnh phẩm dương tính với ri rút cúm A/H1N1, cúm B (chiếm 15%). Giám sát 2 bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính nặng nghi cúm A, không gây tử vong. Bệnh sốt phát ban nghi sởi và bệnh sởi: Giám sát 335 trường hợp mắc ở 8/8 huyện, thành phố; tập trung nhiều nhất ở Thành Phố. Bệnh xuất hiện chủ yếu trong tháng 4 và hiện đang có chiều hướng giảm. Phần lớn các ca bệnh được điều trị tại Bệnh viện Nhi (242 trường hợp, 72,2%), chỉ có 5,3% điều trị tại y tế cơ sở. Kết quả xét nghiệm có 102/153 mẫu huyết thanh dương tính với virus sởi chiếm 66,7%. Tỷ lệ sởi cao nhất ở trẻ dưới 1 tuổi 52,9%, trên 15 tuổi 36,3%. Điều tra 102 trường hợp sởi xác định, có 54 trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccin sởi, 07 trường hợp đã tiêm 1-2 mũi vaccin. Bệnh tay chân miệng có tổng sô 40 bệnh nhân, riêng tháng 5 có 12 trường hợp các bệnh được giám sát cách ly, xử lý theo quy định, một số bệnh truyền nhiễm khác: Sốt xuất huyết Dengue 24 trường hợp không có tử vong; thủy đậu: 880, viêm não virus 19 và 01 bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn đã tử vong.

Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh hiện đang quản lý 3.494 người nhiễm HIV/AIDS ở 253/286 xã, phường, thị trấn; một số bệnh nhân nhân AIDS hiện còn sống là 1.174 người 848 trường hợp AIDS đã tử vong.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao tỉnh Thái Bình đã tổ chức tiêm và tiêm vét vắc xin cho trẻ em, 100% trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm đầy đủ. Đối với công tác phòng chống dịch Thứ trưởng cho rằng hiện nay do tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, khó lường, tỷ lệ mắc đang ở mức cao như: tay chân miệng, sốt phát ban nghi sởi, Sốt xuất huyết ghi nhận trên diện rộng dễ bùng phát tạo nên tình trạng dịch chồng dịch do vậy cần tập trung thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh; khẩn trương kịp thời coi phòng chống dịch là trọng tâm, trọng điểm lên hàng đầu huy động toàn dân cùng tham gia; tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, tiêm vét; trong công tác phòng chống dịch sởi đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở Y tế sắp xếp phân luồng, phân tuyến tăng cường cán bộ trong bệnh viện để giảm tử vong và lây nhiêm chéo. Đối với công tác phòng chống tay chân miệng: Trung ương yêu cầu địa phương kiểm tra đôn đốc thường xuyên phổ biến kiến thức cho người dân hiểu; mở các chiến dịch tuyên truyền rửa tay bằng xà phòng…

Thanh Nghị

 


Ý kiến của bạn