Thách thức với U22 Việt Nam

13-07-2017 15:54 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Kết quả bốc thăm tại SEA Games 29 tới đây tại Malaysia mang tới không ít khó khăn cho mục tiêu vào bán kết của U22 Việt Nam.

Kết quả bốc thăm tại SEA Games 29 tới đây tại Malaysia mang tới không ít khó khăn cho mục tiêu vào bán kết của U22 Việt Nam. Nhưng có khó khăn thế nào, muốn bước lên bục cao nhất thì các cầu thủ U22 Việt Nam phải biết khẳng định mình thì mới thực sự có cơ hội tiến sâu cho thầy trò HLV Hữu Thắng.

U22 Việt Nam phải khẳng định được mình

Theo kết quả bốc thăm môn bóng đá nam SEA Games 29 mới được công bố, tuyển U22 Việt Nam đã rơi vào bảng B cùng với Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Timor Leste và Philippines.  Khó khăn là điều dễ thấy với U22 Việt Nam bởi chúng ta phải nằm cùng bảng với Thái Lan, đội bóng đã giành HCV ở 6/8 kì SEA Games gần nhất (tính từ khi môn bóng đá nam giới hạn độ tuổi tham dự). Với 2 tấm HCV mới giành được trên đất Myanmar (2013) và Singapore (2015), Thái Lan cho thấy họ vẫn là cường quốc bóng đá số 1 ở Đông Nam Á. Người ta tin rằng ngay cả khi không cần bung sức, U22 Thái Lan cũng dễ dàng giành tấm vé bán kết đầu tiên ở bảng B. Nói như thế để thấy rằng cuộc chiến giành tấm vé còn lại sẽ rất khốc liệt bởi nó được chia đều cho 5 đội bóng còn lại là Việt Nam, Indonesia, Campuchia, Timor Leste và Philippines. Trong số này, tất nhiên U22 Việt Nam và Indonesia được đánh giá cao hơn. Xác suất giành vé đi tiếp của U22 Việt Nam khi nằm cùng bảng với Thái Lan dĩ nhiên nhỏ hơn so với kịch bản ngược lại. Cái khó nữa đối với U22 Việt Nam là chúng ta rơi vào bảng đấu 6 đội. Điều đó đồng nghĩa thầy trò Hữu Thắng nếu vượt qua vòng bảng sẽ bất lợi ở bán kết vì thi đấu nhiều hơn đối thủ 1 trận. Ở 1 giải đấu diễn ra với mật độ dày đặc như SEA Games, đây rõ ràng là bất lợi rất lớn.

U22 Việt Nam sẽ phải quyết tâm cao nếu muốn đoạt tấm huy chương vàng tại Sea Games 29.

U22 Việt Nam sẽ phải quyết tâm cao nếu muốn đoạt tấm huy chương vàng tại Sea Games 29.

Bởi vậy, ngoài quyết tâm đoạt vé đi tiếp, U22 Việt Nam cần phải biết tính toán về nhân sự. Để bảo đảm 2 mục tiêu là việc rất khó. Trong quá khứ, đã không ít lần U23 Việt Nam phải nhọc nhằn đoạt vé vào bán kết và khi bước vào vòng 4 đội, chúng ta rơi vào cảnh cạn kiệt sức lực. HLV Hữu Thắng khẳng định không quan tâm tới kết quả bốc thăm. Nhưng rõ ràng với việc rơi vào bảng đấu 6 đội, nhà cầm quân xứ Nghệ sẽ phải tính toán kĩ lưỡng bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cơ hội tiến sâu của U22 Việt Nam.

Việt Nam và Thái Lan là đối thủ nhiều duyên nợ ở khu vực Đông Nam Á. Thống kê từ năm 1995 cho thấy, Việt Nam có 4 lần vào chung kết SEA Games khi nằm cùng bảng với người Thái. Năm nay, hai đội được đánh giá cao nhất ở bảng B, bên cạnh các đối thủ còn lại gồm Indonesia, Đông Timor, Campuchia và Philippines.Trong số này, người đứng đầu bộ phận chuyên môn của FAT đánh giá rất cao thầy trò HLV Hữu Thắng. Ông Laohakul nói: “Tôi nghĩ Việt Nam là đối thủ khó khăn nhất cho Thái Lan ở vòng bảng cũng như ở giải đấu năm nay. Họ có 5-6 tuyển thủ quốc gia trong đội hình. Chúng tôi không được phép đánh giá thấp họ”. Laohakul là người có tiếng nói quan trọng trong những vấn đề chuyên môn liên quan đến các đội tuyển bóng đá Thái Lan. Ông rất am hiểu bóng đá khu vực nên biết khá rõ trình độ của Việt Nam. Năm ngoái, U21 Thái Lan (nòng cốt chuẩn bị cho SEA Games) đã vượt qua cả U21 HAGL lẫn U21 Việt Nam ở giải U21 quốc tế. Tuy nhiên, kết quả này chỉ phản ánh đúng một phần khả năng của hai đội bởi khi đó đội hình mạnh nhất của U22 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games chưa được thành lập.

Nhưng lại là cơ hội

Trong nhiều kì SEA Games gần đây, bóng đá nam Việt Nam chỉ đặt mục tiêu vào bán kết. Nhưng trên thực tế, NHM bóng đá nước nhà luôn kì vọng đội tuyển vào chung kết và cao hơn là giành tấm HCV đầu tiên trong lịch sử. Trước sự kì vọng của CĐV nhà, việc U22 Việt Nam nằm cùng bảng với Thái Lan xem ra lại là kết quả tốt. Nên nhớ rằng, trong quá khứ, tính từ khi bóng đá nam hạn chế độ tuổi tham dự (năm 2001), U23 Việt Nam từng có 3 lần nằm cùng bảng với U23 Thái Lan (vào các năm 2003, 2009 và 2015). Trong cả 3 lần đó, U23 Việt Nam đều vượt qua vòng bảng và có 2 lần vào chung kết (2003 và 2009). Không phải ngẫu nhiên mà U23 Việt Nam thường có thành tích tốt khi nằm cùng bảng với Thái Lan. Thứ nhất, việc nằm cùng bảng với Thái Lan thường mang tới sự kích thích về tinh thần cho các cầu thủ, buộc họ phải chơi hết mình để vượt qua vòng bảng. Thứ hai, khi vượt qua vòng bảng, U23 Việt Nam sẽ không phải lo ngại tới việc chạm trán người Thái ở vòng bán kết.

Phải thừa nhận các đội bóng ở bảng B SEA Games 29 sẽ bất lợi hơn các đội bảng A vì phải thi đấu nhiều hơn 1 trận. Tuy vậy, nó lại mang tới những cơ hội. Nếu nằm ở bảng đấu 5 đội, U22 Việt Nam sẽ có ít cơ hội sửa sai nếu sơ sảy. Ngược lại, ở bảng đấu 6 đội, thầy trò Hữu Thắng sẽ có nhiều cơ hội nếu biết tính toán.

Điều quan trọng hơn cả, U22 Việt Nam sẽ có cơ hội gặp người Thái ngay ở vòng bảng. Đấy sẽ là trải nghiệm bổ ích với thầy trò Hữu Thắng. Nếu tiến tới trận đấu cuối cùng và có cơ duyên gặp lại U22 Thái Lan, U22 Việt Nam chắc chắn sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn. Nó hơn rất nhiều so với kịch bản chúng ta dễ dàng đi tiếp nhưng không biết mình, biết người. Đây chỉ là yếu tố khách quan mà thôi. Điều quan trọng nhất vẫn là việc U22 Việt Nam sẽ hoàn thiện mình ra sao để chuẩn bị cho chiến dịch săn vàng. Nếu đủ mạnh và sự tự tin, các cầu thủ U22 của chúng ta chẳng có gì phải e ngại dù rơi vào bảng đấu nào và đối thủ nào.


K.Duy
Ý kiến của bạn