Thách thức cạnh tranh trên sân nhà

28-12-2014 06:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Lần đầu tiên hàng Thái Lan đã vượt Trung Quốc để vươn lên vị trí số 1 trong 7 tháng qua tại Việt Nam về bán lẻ.

Lần đầu tiên hàng Thái Lan đã vượt Trung Quốc để vươn lên vị trí số 1 trong 7 tháng qua tại Việt Nam về bán lẻ. Nhiều chuyên gia nhận định, so với các nhà bán lẻ khác, Thái Lan mặc dù mới gia nhập thị trường Việt Nam nhưng lại có bước đi khá chắc và đang đặt ra nhiều thách thức với các doanh nghiệp trong nước. Đây là vấn đề tưởng chừng tuân theo quy luật thị trường nhưng thực tế, nhiều ngành hàng khác nếu không có sự điều chỉnh cũng sẽ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.

TP.HCM là nơi nhiều hàng hóa của Thái Lan đã len lỏi vào các hệ thống siêu thị trong nước và được tiêu thụ rất nhanh. Cũng là cá hộp nhưng cá hộp của Thái Lan bán chạy hơn cá nục sốt cà ớt của Việt Nam. Có siêu thị cứ 2 tuần tiêu thụ khoảng 7.000 lon cá hộp của Thái Lan trong khi đó, cá nục sốt cà ớt của Việt Nam bán chưa được 50 lon.

Theo các chuyên gia kinh tế, hàng hóa Thái Lan rất đa dạng và đó là một thách thức để cho các doanh nghiệp trong nước nhìn lại mình để có sự điều chỉnh phù hợp. Không chỉ mặt hàng thực phẩm, nhiều ngành khác như đồ gỗ, nội thất, xăng dầu của nước ngoài cũng đã nhanh chóng xây dựng hệ thống bán lẻ với người tiêu dùng Việt. Theo đại diện Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM thì trong những năm gần đây, các doanh nghiệp nước ngoài đã âm thầm đi mua những cái hệ thống cửa hàng của Việt Nam, nhiều nhà máy sản xuất đến hệ thống phân phối đồ gỗ nội địa đã vào tay của các doanh nghiệp không phải trong nước.

Không chỉ dừng ở đấy, hiện nay, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã sang điều tra về thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam. Đây là bước đệm để dọn đường cho doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Việc các thương nhân nước ngoài vào Việt Nam điều tra về thị trường bán lẻ đã có từ lâu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng cửa hàng thí điểm để thăm dò thị trường. Đặc biệt, một xu hướng mới của doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam là mua lại các doanh nghiệp trong nước, hệ thống cửa hàng sẵn có chứ không đầu tư xây mới. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng bỏ số tiền cao hơn so với chi phí xây dựng để kinh doanh.

Ngoài siêu thị, đồ gỗ, xăng dầu thì ngành xi măng đang phải đối mặt với việc nhiều nhà máy đã được bán cho doanh nghiệp Indonesia do phía Indonesia đã cấm việc xây dựng nhà máy xi măng trong nước nên các doanh nghiệp nước này phải ra nước ngoài đầu tư.

Dù có nhiều lợi thế hơn so với các nhà đầu tư ngoại về am hiểu tâm lý tiêu dùng nhưng thực tế là các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang phải đối mặt với sức cạnh tranh lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Và các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại rằng, một khi các nhà bán lẻ Việt Nam chỉ tập trung nhìn vào các trung tâm bán lẻ lớn mà quên tạo chuỗi từ các hệ thống nhỏ, tiện ích thì miếng bánh thị phần bán lẻ sẽ sớm được lấp đầy bởi các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường nước ta.

Thanh Hằng

 


Ý kiến của bạn