Cây thạch hộc
Thạch hộc là một cây thảo phụ sinh, mọc bám trên cành cây to hoặc ở vách đá ẩm. Thân dẹt có rãnh dọc chia nhiều đốt, phía cuống thuôn hẹp, phía ngọn dày hơn, màu vàng nhạt. Lá ngắn có bẹ. Hoa màu hồng hoặc trắng pha hồng, mọc thành chùm ngắn ở kẽ những lá đã rụng. Quả dài hình thoi.
Để làm thuốc thu hái thân, cành tươi hoặc khô của các loài thạch hộc: Thạch hộc hoàn thảo, thạch hộc mã tiền, thạch hộc hoàng thảo, thạch hộc kim thoa… cắt bỏ rễ và lá, rửa sạch, ngâm nước ủ cho mềm, bóc bỏ lớp màng mỏng bên ngoài rồi phơi và sấy khô. Khi dùng, đồ chín, tẩm rượu thái nhỏ.
Đặc điểm của vị thuốc thạch hộc
Thạch hộc có hình trụ tròn, hình trụ hơi bẹt, hình mũi lao dài, hình xoắn ốc hoặc hình lò xo. Bề mặt có màu xanh vàng, màu vàng kim đến màu nâu nhạt, trơn bóng hoặc có vân dọc, chất xốp hoặc đặc, dễ bẻ gẫy, mặt cắt bằng phẳng hoặc có xơ. Vị hơi đắng, có cái nhấm vào miệng thấy có chất dính. Nếu là dược phẩm khô thì cái nào có màu vàng kim, có ánh quang, chất mềm và dai là loại tốt.
Thạch hộc họ lan có công dụng làm thuốc, chữa nhiều bệnh
Công dụng của thạch hộc
Thạch hộc thuộc nhóm thuốc bổ âm; Là thuốc công hiệu tư bổ âm dịch, sinh tân nhuận táo, thanh nhiệt, bổ dạ dày.
Thạch hộc tính hơi hàn, vị ngọt, lợi về kinh vị và thận.
Chủ trị suy nhược cơ thể, người gầy yếu, da khô, lòng bàn tay bàn chân nóng, cảm giác nóng trong người, miệng khô luôn khó chịu vì những cơn khát, ăn ít mà hay nôn khan, sau khi ốm dậy bị hư nhiệt, mắt mờ nhìn không rõ.
Theo các nghiên cứu hiện đại thạch hộc hàm chứa các chất kiềm và tinh bột có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, tăng dịch vị cho dạ dày, hạ huyết áp.
Bài thuốc thạch hộc chữa bệnh
1. Chữa viêm dạ dày, đầy hơi, buồn nôn: Thạch hộc 12g, bắc sa sâm lông, mạch môn 12g, hoa phấn 12g, bạch biển đậu 12g, trúc nhự tươi 12g, giá đậu tươi (mầm đậu sống) 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
2. Chữa chứng hư nhiệt, sốt về chiều, môi khô, lưỡi đỏ, miệng khát: Thạch hộc, sinh địa, thục địa, sa sâm, đan sâm, thiên môn đông, ngưu tất, mỗi vị 16g; ngũ vị tử 3g. Sắc uống trong ngày.
3. Trị đái tháo đường: Thạch hộc 24g, thiên hoa phấn 20g, tri mẫu 16g, mạch môn 12g, bắc sa sâm 20g, sinh địa 20g, xuyên tâm liên 4g. Sắc uống ngày một thang.
4. Trị viêm họng, ho, ngực sườn đầy tức: Thạch hộc 6g, mạch môn đông 4g, tỳ bà diệp 4g, trần bì 4g. Sắc uống trong ngày.
5. Trị suy nhược cơ thể (hư lao) mệt mỏi lúc rét, lúc nóng, người gầy,chán ăn, mất ngủ: Thạch hộc 6g, mạch môn 4g, ngũ vị tử 4g, đảng sâm 4g, chích cam thảo 4g, câu kỷ tử 4g, ngưu tất 4g, đỗ trọng 4g. Sắc uống trong ngày.
Lưu ý: Thạch hộc khô dùng liều trung bình 6-15g, tươi dùng 15-30g dùng thuốc sắc nên cho vào trước, thạch hộc tươi thanh nhiệt sinh tân mạnh. Không dùng trong trường hợp thấp thịnh và hư hàn.
Vị thuốc thạch hộc được đưa vào sử dụng
Dược thiện thạch hộc hỗ trợ phòng trị bệnh
1. Thuốc sắc thạch hộc, ngọc trúc, nước mía
- Thành phần: Nước mía 200 ml, thạch hộc tươi 18g, ngọc trúc 12g.
- Cách dùng: Sắc chung, đun sôi 30 phút thì chắt lấy nước, uống trong ngày.
- Công dụng: Dùng trong trường hợp người tân dịch hao tổn, khát nước nhiều do nhiệt làm tổn thương tiết nước bọt.
2. Nước thạch hộc, đường phèn
- Thành phần: Thạch hộc tươi 15g, đường phèn vừa đủ
- Cách dùng: Hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút là dùng được, uống trong ngày.
- Công dụng: Dùng cho người miệng khô, khát nhiều, không thiết ăn uống.
3. Thạch hộc lạc nhân
- Thành phần: Lạc nhân 200g, thạch hộc tươi 30g. Gia vị vừa đủ.
- Cách dùng: Thạch hộc rửa sạch thái khúc, lạc nhân rửa sạch để ráo nước mới dùng. Đổ lượng nước vừa phải vào nồi, cho thêm 3g muối ăn, 3g đại hồi hương. Khi nào muối tan hết thì cho lạc nhân, thạch hộc vào đun to lửa cho sôi. Sau đó đun nhỏ lửa lạc nhân chín là được.
- Công dụng: Dùng cho người phế vị âm hư, họng khô, nước bọt ít, ho có đờm, đại tiện táo kết.
4. Cháo thạch hộc
- Thành phần: Thạch hộc tươi 30g, gạo lức 50g, đường phèn vừa đủ.
- Cách dùng: Thạch hộc rửa sạch, sắc lọc bỏ bã, lấy nước khoảng 100 ml nước thuốc, đổ vào nồi cùng với gạo lức, đường phèn, thêm nước nấu cháo.
- Công dụng: Dùng cho người mắc chứng tâm phiền, hư nhiệt, miệng khô kèm thêm chứng nôn khan.
5. Thạch hộc xào gan dê
- Thành phần: Thạch hộc 100g, gan dê 1 bộ
- Cách dùng: Thạch hộc sắc 2 nước, gộp chung, lọc sạch, cô đặc. Gan dễ thái miếng mỏng, cho dầu thực vật và gia vị vào xào lên, sau đó cho nước thuốc thạch hộc vào, ngày ăn 2 lần.
- Công dụng: Dùng cho người mất ngủ, ngủ hay mơ, khô mắt, huyết áp cao.
6. Cháo thạch hộc, ngọc trúc
- Thành phần: Thạch hộc 12g, táo tầu 5 quả, ngọc trúc 9g, gạo lức 60g
- Cách dùng: Ngọc trúc và thạch hộc sắc bỏ bã, lấy nước thuốc, cho táo tầu, gạo lức vào nấu cháo. Ăn ngày 1 thang, ăn liền 7 thang.
- Công dụng: Dùng cho người viêm dạ dày mạn tính do vị nhiệt âm hư sinh ra.
7. Thang thạch hộc, phục linh, sa sâm, xương lợn
- Thành phần: Thạch hộc 12g, phục linh 12g, xương sống lợn 500g, rau chân vịt 100g, sa sâm 12g, gia vị vừa đủ.
- Cách dùng: Các vị thuốc trên bỏ vào túi vải thắt miệng lại. Rau chân vịt rửa sạch. Xương sống lợn cho vào nồi, đổ 800ml nước, đập gừng tươi vào, đun sôi, vớt lớp váng mỡ nổi lên trên, nấu 30 phút, thả túi thuốc vào, đun 20 phút nữa, còn độ 400 ml nước, vớt túi thuốc ra, cho rau chân vịt vào đun sôi là được.
- Công dụng: Dùng cho người bệnh đái tháo đường, ung thư phổi, cao huyết áp, gan thận âm hư nội nhiệt.
8. Rượu thạch hộc, đan sâm
- Thành phần: Bạch phục linh 30g, thạch hộc 30g, đan sâm 30g, quế tâm 30g, xuyên khung 30g, đỗ trọng 30g, phòng phong 30g, bạch truật 30g hoàng kỳ 30g, sơn dược 30g, đương qui 30g, gừng khô 45g, ngưu tất 45g, đẳng sâm 30g, ngũ vị tử 30g, chích cam thảo 15g. Rượu 2000 ml.
- Cách dùng: Các vị thuốc trên nghiền thành bột thô, đựng vào túi vải, cho vào lọ sạch, đổ rượu vào ngâm, bịt kín miệng lọ. Sau 10-15 ngày là dùng được. Uống trước bữa ăn, mỗi lần 20-30ml. Ngày 3 lần.
- Công dụng: Dùng cho người mất ngủ, suy nhược cơ thể, xương khớp sưng đau.
Mời bạn xem thêm video:
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị không “ngăn sống cấm chợ” nhưng phải đảm bảo chống dịch | SKĐS