Hà Nội

Thác tình Bản Giốc

17-11-2018 08:09 | Xã hội
google news

SKĐS - Nếu ai có dịp lên huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) ắt hẳn sẽ đồng cảm với nhận định: cứ giơ đại máy ảnh lên chụp là được ngay một cảnh đẹp.

Đặc biệt, khi đi dọc những tuyến đường dẫn tới miền biên viễn cực Đông Bắc, du khách luôn luôn từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Hàng hàng chóp núi nhấp nhô mờ ảo, thấp thoáng nếp nhà sàn bên dòng suối trong vắt cùng đá tảng xù xì hiện lên như những bức tranh lụa trong sương mây...

Thác Bản Giốc (thác cao).

Thác Bản Giốc (thác cao).

Biến ảo, kỳ thú Quây Sơn

Quây Sơn là con sông có dòng chảy khá kỳ lạ. Nó xuất phát từ hàng trăm ngọn suối từ huyện Tĩnh Tây bên Trung Quốc dồn về thành dòng sông lớn trên biên giới, đổ ngay vào xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng (Việt Nam). Từ đây, dòng sông chảy qua 3 xã của Trùng Khánh (dài khoảng 30km) nhưng khi đến xã Đạm Thủy đột ngột bị đứt gãy độ cao, dòng nước trở thành đập tràn dữ dội, tạo nên kỳ quan thác Bản Giốc ngay sát biên giới 2 nước Trung Quốc và Việt Nam. Tiếp tục, sông Quây Sơn chảy về tận xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang (dài chừng 20km) và trở thành dòng sông biên giới chính thức của 2 nước. Nhưng thú vị hơn nữa, khi chảy đến gần cuối xã Lý Quốc, dòng Quây Sơn quay ngoắt về phía Tây Bắc, chảy ngược về đất Trung Quốc rồi nhập vào sông lớn, xuôi về biển Đông.

Nhưng có lẽ điều làm tôi thực sự bất ngờ khi tới cửa khẩu Lý Vạn thuộc xã Lý Quốc, nơi cuối của dòng sông Quây Sơn - vùng rừng núi gian khó nhất Cao Bằng (cách Hà Nội hơn 400km). Xưa cửa khẩu Lý Vạn là “đồn thú” miền biên cương, rừng thiêng nước độc, mà người lính xưa đi trấn thủ thường nói, khó hy vọng ngày về. Câu ca dao nổi tiếng mà ai cũng thuộc mỗi khi lên đây và cũng là lời nhắn nhủ cho người vợ đi tiễn chồng lên đường: “Nàng về nuôi cái cùng con. Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng. Ở nhà có nhớ anh chăng. Để anh kể nỗi Cao Bằng cho nghe”. Hay như: “Cái cò lặn lội bờ sông. Gánh gạo nuôi chồng nước mắt nỉ non. Nàng ơi trở lại cùng con. Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Cho dù giờ đây chưa hết gian khổ, vì đường xá xa xôi, địa thế hiểm trở, với 68 điểm mốc, kéo dài 34km biên giới, nhưng theo các chiến sĩ biên phòng, đời sống của bản Lý Vạn đã dần thoát khỏi đói nghèo. Người dân đã cùng các chiến sĩ hợp tác giữ vững an ninh biên giới, xóa dần những tệ nạn xã hội và tiêu diệt những tên tội phạm nguy hiểm.

Rời Đồn biên phòng Cửa khẩu Lý Vạn, chúng tôi được các chiến sĩ đưa đến một chợ mua bán hàng hóa, ngay giữa biên giới hai nước. Chợ hình thành từ lâu ở phía trên thác Bản Giốc, tại cột mốc 835 (thuộc bản Cô Muông, Đạm Thủy). Người ta thường gọi đây là “Chợ cột mốc” hay gọi vui: “chợ xuyên biên giới”. Tại ngã ba đường biên có một tấm biển đưa ra nội quy, thực ra là lời dặn dò (bằng cả ba thứ tiếng Việt - Trung - Anh): “Đi ra biên giới, hãy chú ý đến lời nói và hành vi. Chú ý đến sự an toàn cá nhân và đồ quý của mình. Vào biên giới mua sắm cẩn thận”. Chúng tôi đi dạo hẳn sang đường biên bên kia, đến một quầy hàng lưu niệm và cho thuê ngựa chụp ảnh của người Việt, trò chuyện cùng với chủ quán tên Tuyết. Chị thuê quầy bán hàng bên này với giá 50 triệu đồng một năm. Mỗi khi phiên chợ đông người mua, chị bán hàng không ngơi tay, sống được. Chị cười xởi lởi và đưa cho chúng tôi mỗi người một con ngựa để cùng chụp ảnh cho vui, chỉ với giá 15 ngàn đồng một kiểu ảnh.

Nhưng có lẽ, vui nhất là khi quay trở lại chợ Việt Nam, chúng tôi đã được ăn phở thịt vịt quay. Đây là món đặc sản của huyện Trùng Khánh cùng với món thứ hai là hạt dẻ. Nói đến phở vịt quay có lẽ không ai không lịm người đi vì hương vị của nó. Mỗi miếng thịt đều có phần da được quay giòn tan. Riêng xương mềm, nhai kỹ đậm vị ngọt, thơm hương trái mắc mật. Dân chợ quay vịt ở đây không dùng nhiều dầu mỡ như vịt quay Bắc Kinh, nên ăn không bị ngấy. Chả thế một bạn trẻ đi cùng xơi một mình hết bay hai bát phở đầy. Đây là chuyện làm chúng tôi bất ngờ khi dừng chân trên một trong những con suối cuồn cuộn chảy thành thác.

Thác Bản Giốc (ba tầng).

Thác Bản Giốc (ba tầng).

Kỳ quan Bản Giốc

Chính sự hụt hẫng của dãy núi đá vôi dọc đường biên đã làm đôi bờ sông Quây Sơn bị tan vỡ, đứt gãy, tạo nên dòng chảy dốc, từ độ cao hơn 50 mét, đổ xuống thành dòng thác mãnh liệt, bọt tung trắng xóa cả một vùng non nước rộng chừng ba trăm mét. Mỗi buổi sớm, khi nắng chiếu rọi bao giờ bụi nước cũng quầng lên hình ảnh cầu vồng bảy sắc. Người đứng cách mấy trăm mét vẫn thấy mát lạnh da thịt. Kèm với đó là những cơn gió rừng cũng đổ xuống. Những đợt nước về vào mùa thu, thác trở nên hùng vĩ, cuồn cuộn nước bay trắng xóa. Từng đợt sóng trào, tựa sóng gầm trời đất bao la va đập vách núi, ngang tàng mãnh liệt. Đúng như cố thi sĩ Hoàng Trung Thông đã từng viết từ năm 1961, với hình ảnh miêu tả: “Đây trời nghiêng sóng trào nước đổ. Đây mưa phun khói tỏa ngày đêm. Đây bảy sắc cầu vồng bay múa. Khi ngày về núi đỡ mặt trời lên”.

Những người dân bản Giốc, xã Đạm Thủy nơi đây, không ai không nhớ đến câu chuyện cổ tích kể về vẻ đẹp khi hùng tráng, khi mỹ lệ của thác Bản Giốc. Đó là tình sử bi thương của đôi trai gái Tày. Cô gái Tày xinh đẹp có một mối tình say đắm với người mình yêu từ thuở ban đầu. Không ngờ, một hoàng tử đem lòng yêu thương và tỏ tình tha thiết, nhưng đã bị người đẹp từ chối. Hoàng tử tức giận cho người bắt cô gái xinh đẹp về cung giam lại. Trong một đêm trăng sáng, cô gái đã được người yêu của mình tìm cách cứu thoát, cùng nhau bỏ chạy. Những bước chân hối hả trên đường chạy trốn mấy ngày mấy đêm liền, đã làm hai người kiệt sức gục xuống, khi về đến bản Giốc. Hai người đã nắm tay và nhìn nhau, mỉm cười đến hơi thở cuối cùng, trong một đêm mưa gió, bão rừng, gió rít từng cơn, nước ngập cuồn cuộn thành dòng thác lũ trôi về tận cuối trời. Một cơn đại hồng thủy dâng trào chôn vùi xác hai người trong đêm tối. Đến khi mưa tạnh, dân làng thấy xuất hiện hai ngọn thác lớn, tựa chàng trai giang rộng cánh tay đón chờ người yêu trở về. Đó chính là thác Bản Giốc.

Ông trời đã định hai mùa yêu thương cho con thác, với hình ảnh chàng trai dũng mãnh từ tháng 6 đến tháng 10 khi lũ cuồn cuộn sóng trào; và sắc thái dịu dàng, mỹ lệ cho cô gái xinh đẹp từ tháng 11 đến tháng 5, khi tiết xuân còn êm đềm trôi trên con sông Quây. Phía bên kia biên giới, sông Quây Sơn cũng được phân chia theo quy định, tính từ tim ba tầng thác ở giữa dòng chảy. Vẻ đẹp rực rỡ của thác Bản Giốc như một món quà của thiên nhiên ban tặng cho cả hai bản giáp bên sông, cùng chiêm ngưỡng và bảo vệ ngày đêm. Nỗi niềm ấy cũng đã được nhà thơ Hoàng Trung Thông thể hiện: “Bản Giốc đó một chuỗi cười vô tận. Khéo dành riêng hai nước nghe chung. Bản Giốc đó dải lụa trời phơi nắng. Khéo dành riêng hai nước cùng trông” (Thác Bản Giốc). Thật tự hào với ngọn thác xứng danh đệ nhất cùng của hai nước. Thác Bản Giốc đứng hàng thứ tư trên thế giới, với vẻ đẹp hùng vĩ, lung linh và kỷ ảo quanh năm.

Hát Then đàn tính.

Hát Then đàn tính.

Điệu hát Then trên đỉnh thác

Chúng tôi theo sự gợi ý của một bạn trẻ, cùng leo lên đỉnh thác để chụp ảnh từ trên xuống. Bất ngờ, hoàng hôn khuất dần phía sau đỉnh núi, những cánh chim dập dìu lượn về tổ. Một bạn trẻ liên tục chụp lại những ánh đỏ hoàng hôn trên dòng sông Quây. Đúng là trước khi gấp khúc đổ thành thác, dòng nước cuộn trôi khá dữ dội, muốn cuốn phăng đi mọi vật cản. Có ai đó chợt reo lên khi thấy mảnh trăng tròn xuất hiện. Màu sắc mùa thu vẫn còn vương lại sau rằm tháng tám. Người dẫn đường nói, đó chính là vẻ đẹp lung linh nhất của thác Bản Giốc vào những đêm trăng sáng.

Cô chỉ về bãi cỏ bên bờ sông trước mặt rồi kể, nhiều đội văn nghệ đã từng biểu diễn, phục vụ du khách nghỉ lại qua đêm nơi đây. Đặc biệt trong những đêm có trăng, các nghệ sĩ bao giờ cũng hát bài Ánh trăng Bản Giốc, với giai điệu dịu dàng, ngọt ngào. Đúng lúc đó cô bật điện thoại cho chúng tôi nghe bản nhạc quen thuộc: “Mời anh lên Cao Bằng. Về Bản Giốc chơi trăng. Mời anh lên Cao Bằng. Nghe đàn tính kể rằng. Có một đêm chị Hằng đã xuống đây chơi. Các nàng tiên cùng chị Hằng tắm suối trong xanh...”. Tôi nghe như thấy mình trôi trong ánh trăng dát vàng trên mặt sông. Tiếng đàn tính ngọt ngào, đằm thắm như nụ cười của cô gái Tày trao cho người yêu, trong đêm mưa gió ngày nào...


Bài và ảnh: Duy Anh
Ý kiến của bạn