Thắc mắc thường gặp khi tập thể hình

16-12-2018 14:07 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tập thể hình (tập gym) là để tăng cường sức khỏe, vậy mà không ít trường hợp bị đau đầu trong hoặc sau khi tập thể hình.

Thậm chí có người còn băn khoăn không biết tập thể hình có gây hại tình dục, hoặc xông hơi sau tập thể hình thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về vấn đề này.

Đau đầu khi tập thể hình vì sao?

Triệu chứng đau đầu trong hoặc sau khi tập thể hình có biểu hiện đa dạng như: khi đang tập thì bị đau khắp vùng đầu nửa trên, bị đau nhói từ đoạn sau gáy chạy lên thẳng đỉnh đầu, đau kiểu giật giật theo nhịp của tim đập, ngồi nghỉ 5 phút đỡ dần nhưng tập lại đau, hoặc chỉ đau nửa đầu bên trái...

Tập thể hình cũng như các hình thức tập luyện khác mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Về cơ bản, thể dục giúp giảm tần suất và cường độ đau đầu nhờ việc giải phóng endorphin và tăng cường lượng máu lưu thông trên não. Tập luyện đều đặn còn tăng chất lượng giấc ngủ và giảm stress - đây là những yếu tố cơ bản cho một trí tuệ sảng khoái và minh mẫn, nâng cao hiệu suất làm việc. Việc đau đầu khi tập thể hình có thể do nhiều nguyên nhân như: tăng lượng máu và ứ trệ máu ở não, tăng CO2 trong máu, tăng acid lactic trong máu, căng cơ ở vùng đầu mặt nhiều, mạch tăng quá nhanh... Trước hết các cần biết về 2 loại đau đầu khi tập luyện:

Đau đầu tiên phát: Thường ít nguy hiểm, nguyên nhân trực tiếp do vận động quá sức. Thường chỉ kéo dài trong 5 phút đến tối đa là 2 ngày.

Đau đầu thứ phát: Rất nguy hiểm, bởi do ảnh hưởng của nguyên nhân bệnh lý khác như: chảy máu, u,... Triệu chứng: Giảm thị lực, nhìn mờ, chóng mặt, lơ mơ, mất ý thức, cổ cứng, trạng thái đau kéo dài rất lâu... Đau đầu thứ phát cần được khám và chữa trị khẩn cấp.

Để xác định nguyên nhân gây đau đầu do tập thể hình, bước đầu tiên là nhờ sự tư vấn của bác sĩ để tìm ra các bệnh lý. Nếu không phải, hãy chú ý đến chế độ dinh dưỡng của bạn. Bạn có ăn hay uống trước buổi tập để tăng lượng đường trong máu hay tránh tình trạng mất nước không? Sau khi loại trừ các nguyên nhân trên thì nhiều khả năng nguyên nhân thực tại đa phần chứng đau đầu khi tập thể hình đều do đau đầu tiên phát, tập luyện quá sức, tập các bài tập không phù hợp thể lực, hoặc do giáo án tập luyện quá nặng, gây áp lực cho chính người tập...

Tập luyện quá sức là một nguyên nhân gây đau đầu khi tập thể hình.

Tập luyện quá sức là một nguyên nhân gây đau đầu khi tập thể hình.

Tập thể hình có gây suy giảm khả năng tình dục?

Một trong những thắc mắc “đáng yêu” nhất nhưng luôn đứng đầu bảng về môn thể hình là: tập càng nhiều thì “cậu nhỏ” càng nhỏ lại. Trước tiên phải hiểu rằng bộ phận sinh dục nam giới (dương vật) từ sau tuổi dậy thì cho đến khi tầm 60-65 tuổi hầu như không thay đổi về kích thước lẫn chiều dài khi cương cứng nếu như người đó ở trạng thái sức khỏe bình thường. Chỉ sau độ tuổi 60-65 (có thể sớm hoặc muộn hơn), người đàn ông lão hóa nhanh chóng do suy giảm lượng testosteron hoặc mắc bệnh nào đó, thì dương vật có thể bị giảm kích thước, chiều dài do không còn đạt được khả năng cương cứng cực đại như thời trai trẻ.

Việc tập thể hình không ảnh hưởng gì đến kích cỡ của cậu nhỏ. Sự thay đổi có chăng chỉ là về mặt cảm giác khi tương quan giữa “cái đó” và cơ thể thay đổi. Ví dụ, “cái đó” khi “lắp” vào thân hình của một người đàn ông 55kg với cặp giò còm nhom nhìn sẽ khác hẳn khi cũng người đàn ông đó sau 2 năm tập thể hình tăng lên 70kg với cặp đùi cuồn cuộn cơ bắp.

Cũng như bất cứ môn thể thao nào khác, môn thể hình đem đến cho người luyện tập một sức khỏe tốt, một cơ thể khỏe mạnh và theo đó góp phần làm cho chuyện chăn gối được hoàn mỹ hơn. Sự dẻo dai hay còn gọi là sức bền cùng với độ khỏe trong cơ bắp khiến cho hoạt động tình dục được đảm bảo. Hai yếu tố sức mạnh và sự dẻo dai sẽ được cải thiện rất nhiều trong môn thể hình, điều này rất quan trọng cho phong độ tình dục của nam giới.

Có nên xông hơi sau tập thể hình?

Theo y học cổ truyền, hơi nóng từ xông hơi làm giãn nở mạch máu dưới da, kích thích lưu thông khí huyết, thúc đẩy việc đào thải các chất độc tích tụ trong cơ thể, hàn khí hoặc thấp khí ra khỏi cơ thể theo đường mồ hôi. Đồng thời, khi xông hơi, lượng mồ hôi được bài tiết ra khá nhiều sẽ mang theo những chất độc từ quá trình trao đổi chất và hoạt động của cơ thể. Có thể nói, Đông y coi việc xông hơi là một phương pháp hiệu quả giải độc tự nhiên mà không cần đưa bất cứ được chất nào vào cơ thể.

Tuy nhiên xông hơi cũng có mặt hại. Tất cả các dạng xông hơi sẽ làm cơ thể bạn tiếp xúc với nhiệt độ cao. Khi cơ thể bạn bị làm nóng quá mức, bạn sẽ đổ mồ hôi, mất nước và mất các chất điện giải. Bạn sẽ rơi vào tình trạng mất nước nếu lượng nước bạn mất đi nhiều hơn lượng nước bạn nạp vào. Do vậy, với bất kỳ loại xông hơi nào, bạn đều cần phải bổ sung đủ nước bằng cách uống nhiều nước khi xông hơi. Và nếu bạn là người đổ nhiều mồ hôi, bạn nên uống các loại nước có chứa các chất điện giải.

Xông hơi sau khi luyện tập thể thao có thể sẽ giúp ích cho bạn nếu được tiến hành một cách cẩn thận và đúng cách. Một vài lưu ý cho bạn

Bạn nên bắt đầu xông hơi trong một khoảng thời gian ngắn (5 phút) sau đó “nghe ngóng” xem cơ thể bạn cảm thấy như thế nào ngay sau khi xông hơi và trong suốt khoảng thời gian còn lại trong ngày. Nếu bạn cảm thấy thoải mái và không gặp vấn đề gì, bạn có thể tăng dần thời gian xông hơi.

Trong quá trình xông hơi, bất cứ khi nào bạn thấy mệt mỏi, nhức đầu hay bồn chồn, buồn nôn... hãy ngay lập tức bước ra khỏi phòng xông hơi, ngồi xuống chỗ mát, nghỉ ngơi và uống một chút nước từ từ, có thể là nước lọc, nhưng tốt nhất là nước khoáng có bổ sung các chất điện giải, hoặc một ly nước trà gừng, nước chanh ấm.


BS. Quốc Thắng
Ý kiến của bạn