Động thái trên được đưa ra sau khi tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đồng ý bàn giao đất cho chính phủ để triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD, nhằm bảo vệ Hàn Quốc khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài.
Cụ thể, Lotte sẽ giao sân golf do tập đoàn này sở hữu tại Seongju, thuộc khu vực phía Đông Nam cho chính phủ Hàn Quốc. Như vậy, chính quyền Hàn Quốc sẽ có thể triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.
Hệ thống THAAD có tầm bắn khoảng 200 km (125 dặm) và được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo ngắn, trung bình.THAAD cũng là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, nằm trong hệ thống phòng thủ toàn cầu của Mỹ. TheoYohap,Mỹ sẽ cho vận chuyển sang Hàn quốc 9 bệ phóng, mỗi bệ phóng bao gồm 8 tên lửa.
Việc Mỹ-Hàn đầy nhanh việc triển khai THAAD khiến Trung quốc đặc biệt lo ngại.
Sự giận dữ của Trung Quốc
Lý giải trước việc đẩy nhanh tiến trình xây dựng THAAD, Mỹ và Hàn quốc cho rằng “việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến trên, thực chất là nhằm bảo vệ Hàn quốc trước mối đe dọa Triều Tiên”. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng Mỹ có ý đồ thông qua đưa Hàn Quốc vào hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu để ngăn chặn Trung Quốc và Nga. Trung Quốc lo ngại radar mạnh của hệ thống THAAD sẽ bao trùm lên phần lớn lãnh thổ Trung Quốc.
“Thật đáng tiếc là Hàn Quốc phối hợp với Mỹ đẩy nhanh việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD, bất chấp lợi ích và quan ngại của Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh hôm 27/2.
“Tôi muốn nhấn mạnh, Trung Quốc mạnh mẽ phản đối việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc và sẽ kiên quyết áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh và lợi ích của chúng tôi. Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với mọi hậu quả”.
Quy trình vận chuyển THAAD từ Mỹ sang Hàn Quốc.
Theo Reuters, từ nhiều tháng nay, Trung Quốc đã có những hành động răn đeHàn quốc. Tập đoàn Lotte cho biết cơ quan chức năng Trung Quốc đã chỉ thị ngưng hoạt động xây dựng của dự án bất động sản trị giá hàng tỷ USD tại thành phố Thẩm Dương vì lỗi “vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy”. Các tập đoàn lớn khác của Hàn quốc, trong đó có Samsung liên tiếp bị điều tra về thuế. Ngoài ra, hồi tháng 1, Trung Quốc đã bác bỏ đề xuất mở thêm chuyến bay với Hàn Quốc; áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát thuế quan đối với một số mặt hàng của Hàn Quốc và doanh nghiệp Hàn Quốc. Ngay lập tức, giá cổ phiếu của các công ty Hàn Quốc liên quan đến mỹ phẩm, du lịch và ngành hàng không đã bị trượt dốc.
Kế hoạch triển khai THAAD còn “nóng” hơnvới sự xuất hiện của Nhật bản và Nga. Hồi cuối tháng 11 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết bắt đầu xem xét khả năng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) giai đoạn cuối của Mỹ tại Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho rằng, mặc dù chưa có kế hoạch cụ thể triển khai THAAD tại Nhật Bản, nhưng Tokyo đang xem xét lựa chọn để tăng cường năng lực quốc phòng.
Trước đó, Nhật Bản đã tránh đề cập đến Hệ thống phòng thủ tên lửa này trong nhiều năm, cho đến khi Định hướng chương trình quốc phòng quốc gia (NDPG) giai đoạn 2019-2023 có thể được chính phủ thảo luận. Tuy nhiên, sau khi Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo trong năm 2016, cùng với vụ thử hạt nhân thứ 5, khiến khả năng triển khai THAAD được đẩy sớm vào chương trình nghị sự của Tokyo.
Rõ ràng, việc THAAD được triển khai tại đảo Guam của Mỹ, sắp tới tại Hàn Quốc và tiếp theo có thể là Nhật Bản, sẽ củng cố sức mạnh của liên minh quân sự Mỹ-Nhật –Hàn.Đây cũng là điều khiến Nga chú ý. Dù không quá gay gắt như Trung Quốc, nhưng khi Hàn Quốc tuyên bố triển khai THAAD, Nga cũng lên tiếng phản đối triển khai hệ thống này tại châu Á, cho rằng kế hoạch này không giúp ích cho tiến trình hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á, cũng như tìm kiếm giải pháp cho vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Các nguồn tin cho biết Nga đang lo ngại về “cái bắt tay an ninh” giữa Mỹ-Hàn-Nhật ở khu vực đe dọa lợi ích của Moscow.