Thả diều: Đừng quá ham vui

31-08-2015 14:00 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Thú vui thả diều từ lâu đã in đậm trong tâm thức của người châu Á nói chung và người Việt nói riêng. Đây cũng là một nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn.

Thú vui thả diều từ lâu đã in đậm trong tâm thức của người châu Á nói chung và người Việt nói riêng. Đây cũng là một nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Những năm gần đây, thả diều mang nhiều ý nghĩa giải trí hơn là tâm linh, quy mô rộng hơn, nhiều địa phương tổ chức thi diều, triển lãm diều, thu hút đông người tham dự. Tuy vậy, việc gìn giữ và phát huy thú vui này sao cho vừa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, vừa an toàn cũng là điều đáng nói.

Việc gìn giữ và phát huy thú vui thả diều sao cho vừa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, vừa an toàn mới là điều đáng nói.

Bức tranh văn hóa đa sắc

Một trong những dấu ấn lớn nhất đối với những người đam mê diều chính là sự kiện Festival diều Quốc tế (diễn ra lần đầu tiên vào năm 2009 tại Vũng Tàu). Diều hai miền Nam, Bắc có những nét đặc trưng riêng. Các nghệ nhân ở Huế chế tạo nhiều cánh diều rất công phu mang sắc thái cung đình, như rồng, phụng, thì miền Bắc có diều sáo, còn miền Nam lại đeo đuổi loại diều hiện đại theo nguyên lý khí động học (dòng chảy của khí). Tất cả đã tạo nên một bức tranh đa sắc, rực rỡ trên bầu trời Vũng Tàu.

Kể từ đó, thú chơi diều ở Việt Nam lan tỏa mạnh hơn, người ta cũng quan tâm hơn đến những lễ hội thả diều truyền thống. Đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer’ ở nước ta. Trong ý niệm của người Khmer, diều (Khlèn) - nghĩa gốc là chim diều hâu là biểu tượng của mặt trời. Diều thả cũng nằm trong ý niệm đó. Người Khmer thả diều khi gió mùa Đông Bắc tràn đến xua tan mây mù để nắng trở về, thường là vào tháng Kádek (tương ứng với tháng 10 âm lịch). Hàng năm đến ngày lễ hội thả diều, người dân trong cộng đồng đều đến tụ hội quanh ngôi nhà của mình với tâm thức hướng về cái thiêng, cái thiện. Điều đó đã giúp cho họ thêm tin tưởng vào cuộc sống của mình trong cộng đồng.

Diều thả của đồng bào dân tộc Khmer có nhiều loại, nhưng phổ biến nhất là Khlèn phnon, còn gọi là Por kón (mang con) hoặc Mékón (mẹ con). Diều được làm bằng tre và vải trúc bâu, tơ chuối hoặc tơ dâu với nhiều công đoạn đòi hỏi sự kỹ lưỡng, khéo léo.

Nhắc đến lễ hội thả diều ở Việt Nam mà bỏ qua làng Bá Giang thì đúng là một thiếu sót. Hội thả diều làng Bá Giang (Bá Dương Nội) xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội là lễ hội thả diều truyền thống lớn nhất miền Bắc, đã có từ nhiều năm nay. Vào cuộc thi, làng thành lập ban tổ chức do đại diện lãnh đạo làng, xã, các hội, cử ra ban trọng tài. Mở đầu cuộc thi là lễ trình diều, các diều dự thi trình trong sân miếu, ban tổ chức đánh số thứ tự, dán “tem”.

Bên cạnh đó, lễ hội thả diều ở làng Vũ Đại cũng mang đến những nét văn hóa đặc sắc. Lễ hội diều ở đây ngoài việc phản ánh tinh thần thượng võ, uống nước nhớ nguồn, còn là niềm vui được mùa, cầu mong ấm no cho cả cộng đồng làng xã. Khi tan hội, ai cũng mang nét mặt tươi vui, và họ hy vọng rằng tham gia lễ hội thả diều sẽ gặp được nhiều điều may mắn...

Cần phát triển theo hướng bền vững

Không thể phủ nhận nét văn hóa thú vị, đặc sắc từ những lễ hội thả diều truyền thống. Nhưng một số rủi ro đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua khiến người ta lo ngại thú vui này sẽ không giữ được nét đẹp vốn có nếu không đảm bảo an toàn cho người chơi và những người xung quanh. Tình trạng người dân thả diều gần đường điện cao thế và hạ thế gây nên không ít trường hợp dở khóc dở cười như dây diều, cánh diều cuốn, vướng vào đường điện gây chập cháy... Bên cạnh đó, việc chạy thả diều vào ruộng, làm hư hỏng nông sản, hay vì tranh chấp nơi thả diều, mâu thuẫn khi phân thắng thua khiến người chơi ẩu đả, mất đoàn kết... cũng mang đến những hình ảnh phi thẩm mỹ.

Hy vọng, các nhà quản lý sớm hình thành các trung tâm, câu lạc bộ chơi diều để hỗ trợ thông tin, kỹ thuật, quy tắc chơi diều an toàn, góp phần đẩy mạnh phong trào chơi diều, tiến tới tổ chức các hội thi với quy mô lớn. Có như thế, thú chơi diều mới phát triển theo hướng bền vững và an toàn.

Nam Phương

 

 


Ý kiến của bạn