Tết xưa

17-02-2015 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Những ngày cuối năm, dù rét ngọt nhưng nàng Xuân cũng đã về. Như mẹ lâu ngày mới gặp đứa con yêu, nàng thì thào bên hiên nhà, âu yếm vuốt ve trên những mầm cây.

Những ngày cuối năm, dù rét ngọt nhưng nàng Xuân cũng đã về. Như mẹ lâu ngày mới gặp đứa con yêu, nàng thì thào bên hiên nhà, âu yếm vuốt ve trên những mầm cây. Khung cảnh ấy đã đánh thức miền ký ức thiêng liêng trong tôi về những cái Tết xưa thơ bé.

Với trẻ quê thời bao cấp, mỗi khi đến Tết có biết bao niềm vui giản dị mà hạnh phúc vô bờ. Năm mới, đứa nào cũng được diện quần áo mới, dù chỉ may bằng vải phin hay diềm bâu tầm thường, được đốt những quả pháo tép, được mừng tuổi... Nhưng tôi thấy vui nhất là ngày đánh đụng lợn. Không biết từ bao giờ, quê tôi có tục này. Thường thì dăm ba nhà chòm xóm hay họ hàng chung nhau mổ một con. Những tháng ngày khó khăn thì đó là một tục lệ hay bởi tình làng nghĩa xóm thêm đầm ấm. Ðồng thời, người ta không phải chạy đôn, chạy đáo tìm mua ở chợ mà lại chế biến được nhiều món. Ðặc biệt, nhà khó khăn có thể nợ lại được. Dù hợp tác xã chia thịt theo nhân khẩu nhưng rất ít nên nhà nào cũng đánh đụng thêm. Có khi người ta đăng ký đụng lợn trước Tết vài tháng cho chắc chân. Người bán lợn thì chăm bẵm, giữ gìn chú heo ghê lắm. Ngày ấy, lợn nuôi toàn bằng cám, không có thuốc tăng trọng như giờ nên có khi nửa năm mới được lứa lợn. Nhưng thịt lại chắc, ăn rất ngon.

Tôi không thể quên cái không khí đặc biệt ngày đụng lợn vui vẻ ấy. Thường từ ngày 27, 28 Tết là các nhóm mổ lợn. Tiếng người gọi nhau í ới, tiếng lợn eng éc từ sớm tinh mơ khiến xóm thôn nhộn nhịp hẳn lên. Không chỉ trẻ con mà người lớn cũng háo hức không kém. Có nhà do cấy chưa xong nên giao việc nhận thịt cho con trẻ. Ðúng hẹn, chủ nhà đun sẵn nồi nước to làm lông. Mấy người đàn ông chuẩn bị giết mổ. Chú lợn Móng Cái bị trói chân được đặt gần cầu ao. Trẻ con cầm rổ rá, lăng xăng chờ sẵn từ sớm, chuyện trò tíu tít. Vẻ mặt đứa nào cũng hân hoan. Chúng không quên mang theo cái liễn lấy tiết canh, chiếc nồi đựng nước xáo. Chỉ loáng cái, người ta đã làm sạch con lợn và đặt vào chiếc nia. Một người pha thịt và chia rất khéo. Tùy theo số người đánh đụng mà chia. Nhà khá giả thì đụng 1/4 con (gọi là một góc). Nhà ít người hay khó khăn thì hai nhà một góc. Nhà ai cũng có thịt các loại theo tỷ lệ đăng ký. Bao giờ người ta cũng để lại ít tiết canh, ít lòng mề để mấy người giết lợn ăn tại chỗ. Chủ nhà chiêu đãi chai “cuốc lủi”. Thế là chén chú chén anh vui vẻ.

Nhận thịt rồi, các gia đình lên kế hoạch làm các món Tết cho phù hợp. Với trẻ con, đây là bữa cỗ Tết đầu tiên với các món chế biến từ lòng mề. Sau bao ngày thèm thịt, thèm mỡ, giờ là lúc chúng được thỏa mãn. Với các gia đình, đó là bữa cơm sum họp đầm ấm mở đầu cái Tết, bởi con cháu đi xa bắt đầu trở về. Ngày giờ cuối cùng của năm cứ trôi vùn vụt. Nhà nào cũng bận túi bụi mà rất vui vẻ. Mỗi người một việc. Trẻ con chạy vành ngoài như hái lộc, rửa lá, nhặt sạn gạo. Có thịt về, người ta lo làm giò trước. Thịt nạc tươi (không độn bột và hàn the) nên giò rất ngon. Tiếng giã giò thậm thịch làm không khí Tết thêm nhộn nhịp, phấn chấn. Món giò xào làm từ thịt thủ và tai có vị ngon đặc biệt dành cho người thích ăn giòn. Rồi món nem thính ăn với lộc trong vườn cùng lá sung, lá sắn. Vui nhất là đêm giao thừa, cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng. Nhà nào cũng gói mấy chục cái để cúng tổ tiên, thừa lộc ăn mấy ngày Tết, làm quà biếu cho bà con ngoài phố và con cháu mang đi sau kỳ nghỉ. Khắp trong nhà, ngoài ngõ, đâu đâu cũng thấy không khí xuân rộn rã.

Bây giờ, hàng Tết thật phong phú lại dễ mua, tôi vẫn nhung nhớ không khí đầm ấm trong ngày đánh đụng thịt Tết một thời khốn khó khi xưa!

Trịnh Thị Thuận

 


Ý kiến của bạn