Gần 10 năm sang Hàn Quốc học tập và làm việc, anh Trần Quốc Khánh (30 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) từ sau dịch COVID-19 chưa về Việt Nam đón Tết. Năm thì công ty nhiều việc, chỉ được nghỉ thời gian ngắn nên anh quyết định ở lại Hàn Quốc. Năm lại dịch bệnh bùng phát khiến việc đi lại khó khăn. Tết năm nay, anh Khánh cùng vợ vẫn phải chịu cảnh ăn Tết xa nhà.
Nhiều năm đón Tết xa quê, anh Khánh cùng các đồng hương luôn giữ thói quen vào đêm giao thừa quây quần bên nhau để ăn bữa cơm tất niên, mừng đón khoảnh khắc giao thừa. Sau đó, mọi người cùng lì xì, chúc mừng năm mới. Nhiều người cũng tranh thủ gọi điện thoại gửi lời chúc mừng năm mới đến người thân gia đình ở quê.
Anh chia sẻ, dù không khí Tết không được như ở quê nhà nhưng ít ra cũng cảm nhận được Tết quê hương nơi đất khách!
Vợ anh Khánh, chị Việt Tiên chia sẻ thêm: "Để vơi đi nỗi nhớ quê, tôi cùng chồng và nhóm bạn làm chung công ty đã cùng thức, canh giờ để đón giao thừa online cùng với người thân ở Việt Nam. Qua màn hình điện thoại, nhìn hình ảnh bố mẹ, anh chị quây quần bên nhau trong thời khắc giao thừa nơi căn nhà quen thuộc làm tôi rưng rưng nước mắt".
Chị Đoàn Ngọc Liên (32 tuổi, đang sinh sống tại thành phố Melbourne, Úc) cho biết: "Tết rơi đúng vào thời điểm giữa hè tại Úc. Nơi đây không có đào, mai tung cánh khoe sắc chỉ có nắng nóng khô khan nhưng cũng không làm khung cảnh chợ Tết của cộng đồng người Việt thiếu sắc màu. Đi đâu cũng thấy rực rỡ sắc hoa, những gói quà Tết đủ màu và những món ăn ngày Tết.
Lấy chồng cũng là người Việt Nam và có một con nhỏ, Tết đối với Liên hết sức quan trọng. Dù không về Việt Nam đoàn viên với gia đình được, chị vẫn cố gắng chuẩn bị Tết ở Úc thật giống với Việt Nam. Chị cùng gia đình tự tay làm mứt Tết, gói bánh chưng và trang hoàng nhà cửa đón Tết. Đặc biệt chị luôn cùng chồng con đi chọn mua hoa Tết.
Với anh Nguyễn Hoài Nam (chồng chị Liên), Tết cổ truyền là một điều gì đó rất thiêng liêng. Dù công việc bận rộn, anh cũng cố gắng sắp xếp thời gian, công việc để cùng gia đình trang hoàng nhà cửa, tự tay làm những món ăn Việt để đón Tết. Vào khắc giao thừa, anh cũng không quên gọi điện về Việt Nam để chúc Tết người thân.
Còn tại nước Đức, anh Nguyễn Văn Thắng (31 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) cho biết, vào khoảnh khắc giao thừa ở Việt Nam cũng là lúc anh vẫn đang đi làm như bình thường. Làm nghề nail, nên tranh thủ khi vắng khách hoặc vừa làm vừa gọi video về cho cha mẹ, hai bên nội ngoại để chúc mừng năm mới vào thời khắc giao thừa.
"Tết nơi xứ người làm mình nhớ những ngày ở quê, dậy sớm đưa mẹ đi chợ, chọn cành đào đặt trong nhà, nhớ dáng mẹ tất bật sửa soạn bữa cơm chiều 30 Tết. Nhớ cả không khí ấm cúng khi gia đình cùng quây quần xem chương trình Táo quân. Tết càng đến gần, nỗi nhớ càng quay quắt, càng tủi thân, càng thương bố mẹ, chỉ muốn được bay về nước...", anh Thắng chia sẻ.