Vụ việc một bệnh nhân bị truy sát tại Khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh Vĩnh Long xảy ra vào đầu tuần qua lại thêm một hồi chuông cảnh báo về trật tự an toàn, an ninh bệnh viện (BV). Người dân đã khổ mỗi khi đau ốm phải vào BV nhưng các bác sĩ còn khổ hơn vì vừa phải chữa bệnh lại vừa phải tự tìm cách bảo vệ chính mình trước sự bạo hành của bệnh nhân và người nhà họ. Đặc biệt, sự lo ngại này lại tăng mỗi khi Tết đến xuân về.
Bác sĩ, bệnh nhân đều bất an
BVĐK Vĩnh Long - nơi vừa xảy ra vụ việc, theo lời các bác sĩ Khoa Cấp cứu. Trong khi đang trực cấp cứu, kíp bác sĩ tiếp nhận một bệnh nhân tên Lâm Kim Hoàng (36 tuổi, trú tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Sau khi được các bác sĩ đã cấp cứu, băng bó và chuẩn bị chuyển lên Khoa Ngoại để nằm điều trị. Bất ngờ một đối tượng lạ mặt xông tới, đâm bệnh nhân Hoàng 2 nhát khiến bệnh nhân ngã xuống đất. Bệnh nhân vùng dậy bỏ chạy, tuy nhiên, đối tượng vẫn đuổi theo truy sát. BV nhanh chóng báo công an phường nên đối tượng đã vứt dao trốn khỏi hiện trường. Bệnh nhân Hoàng tiếp tục được đưa lên bàn cấp cứu với vết đâm ở vùng thắt lưng và vùng đùi. Vụ việc đã khiến các bộ y tế, bệnh nhân và người nhà sợ hãi... Gần đây nhất là sự việc những kẻ côn đồ chạy vào Khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh Quảng Ngãi để truy sát người bệnh. Trong lúc ẩu đả một số máy móc để phục vụ công tác cấp cứu đã bị hư hỏng nặng, các bác sĩ hoảng loạn... Sự việc cũng diễn ra tương tự tại BVĐK Thống Nhất Đồng Nai, trong khi các bác sĩ đang bận rộn cấp cứu cho 1 bệnh nhân bị chém trọng thương thì nhóm 4 thanh niên đã vác mã tấu xông vào tiếp tục đuổi chém bệnh nhân và dùng lời lẽ không hay đe dọa bác sĩ. Sự việc chỉ dừng lại sau khi có lực lượng công an giải cứu, khi đó các bác sĩ mới lấy lại được bình tĩnh để tiếp tục công việc cứu người.
BS. Phạm Văn Dũng - Giám đốc BV Thống Nhất Đồng Nai, cho biết, BV nằm trên địa bàn đông dân cư, nhiều nhà trọ. Do đó, BV thường xuyên phải “tiếp” nạn nhân từ các cuộc xô xát, đâm chém nhau do say rượu, tranh giành làm ăn. Không ít vụ vào tận viện rồi vẫn còn xảy ra cãi cọ, đánh đấm. Có cả trường hợp đuổi đánh bác sĩ và nhân viên y tế, đe dọa, yêu sách theo ý cá nhân, gây bất an trong đội ngũ thầy thuốc bệnh viện và bệnh nhân đang điều trị.
Hiện trường vụ truy sát bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu BVĐK Quảng Ngãi (Ảnh BV cung cấp).
Trăm dâu đổ đầu... bệnh viện
Đã từ bị côn đồ hành hung và chứng kiến rất nhiều đồng nghiệp bị người nhà bệnh nhân đánh khi đang làm nhiệm vụ, BS. Cao Đức Chinh, Khoa Cấp cứu BVĐK Hà Đông cho biết, Khoa Cấp cứu là nơi nhạy cảm, nơi sự sống và cái chết rất mong manh. Vì thế, các bác sĩ cấp cứu thường chịu áp lực nặng nề từ việc lo cứu người đến việc đề phòng sự “nổi nóng” của người nhà bệnh nhân. Việc nghe dọa nạt và bị đánh đối với các bác sĩ không phải là hiếm. Cùng quan điểm này, một bác sĩ giấu tên cho biết, cán bộ y tế còn phải đối mặt với nhiều hình thức bạo hành khác. Có không ít đối tượng luôn cho mình là “cao quý” vì quen lãnh đạo A, thủ trưởng B và dùng các mối quan hệ đó để dọa dẫm, đòi hỏi được phục vụ như thể “cả viện chỉ có một mình anh ta”. Rồi có bệnh nhân biết tuốt luôn cho rằng mình giỏi hơn các bác sĩ, thường xuyên “cãi” lại phương pháp điều trị của bác sĩ, còn có người luôn đòi hỏi “ngon, bổ, rẻ”, và phải đáp ứng ngay lập tức. Vị bác sĩ này cũng thẳng thắn chia sẻ: “Vào những dịp lễ Tết, người sử dụng rượu, bia nhiều dẫn đến không làm chủ được bản thân sinh ra các cuộc ẩu đả, hay các ca tai nạn giao thông nặng đưa vào bệnh viện nên khi đó tình trạng quá tải diễn ra, các bác sĩ lại thêm một nỗi lo thường trực vừa lo cứu bệnh nhân, vừa đề phòng người say quậy phá... Vì thế, nhiều người mong mỏi đón xuân, nhưng với cá nhân tôi mỗi dịp Tết, sự lo lắng lại tăng lên gấp bội”.
Với vai trò là lãnh đạo BV, BS. Phạm Văn Dũng, Giám đốc BVĐK Thống Nhất Đồng Nai cho biết, BV đã phải triển khai nhiều biện pháp để “tự vệ” như ký hợp đồng với công ty bảo vệ chuyên nghiệp để bảo vệ 11 “điểm nóng”. BV cũng thành lập đường dây điện thoại nóng và phối hợp chặt chẽ với công an, xây dựng các phương án xử lý kịp thời, nhanh chóng các trường hợp ẩu đả, đuổi đánh nhân viên y tế... Tuy nhiên, bệnh nhân ngày càng đông, địa bàn phức tạp, lực lượng côn đồ dùng các hung khí gây sát thương lớn, trong khi lực lượng bảo vệ chỉ được trang bị dùi cui, gậy gỗ, rất khó xử lý các trường hợp cấp bách. Trong nhiều trường hợp chờ được công an thì việc đã rồi.