Sắp đến thời khắc giao thừa, các bác sĩ, điều dưỡng khoa cấp cứu vừa định nâng ly chúc nhau thì lại phải bỏ dở vì bệnh đông đến nghẹt thở. Một bác sĩ Khoa Cấp cứu, (BV) Chợ Rẫy TP.HCM nói: “Năm nào trực đêm giao thừa là năm đó Tết đến khi nào cũng chẳng hay”.
7 năm không đón giao thừa với gia đình
7 năm làm ở khoa cấp cứu, bác sĩ Lê Đức Tín, Khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy chia sẻ, chưa có năm nào anh có cái Tết trọn vẹn bên gia đình.
Những ngày Tết, khoa Cấp cứu ở các BV, nơi được mệnh danh là “đầu sóng ngọn gió” luôn phải hoạt động hết công suất, các ê kíp trực phải đảm bảo đủ người để kịp ứng phó với các tai nạn xảy ra.
Là BV tuyến cuối tại TP.HCM, lượng bệnh đêm giao thừa tại BV Chợ Rẫy lúc nào cũng rất đông, nhất là sau thời khắc giao thừa.
Bác sĩ Đức Tín bộc bạch: “Khi đồng hồ điểm 23 giờ đêm chúng tôi còn biết nhưng sau thời gian đó bệnh nhân vào đông nên cứ làm cho đến 5 giờ sáng mới có thể thở phào được thì lúc đó mới hay đã qua ngày mới của năm mới rồi. Phải đến mồng 2, tết mới đến với chúng tôi vì lúc đó mới có thể ra ngoài dạo phố mùa xuân được”.
“Có những năm bánh tét được cắt ra nhưng mấy tiếng sau đó bánh vẫn còn nguyên vì không ai kịp nghỉ tay để ăn một miếng bánh”, một điều dưỡng khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy cho hay.
Năm thứ 3 trực Tết ở Khoa Cấp cứu, bác sĩ Tín nhớ như in một trường hợp bệnh nhân nam cấp cứu vào 23 giờ đêm 30 Tết bị đa chấn thương dập phổi, tràn khí màng phổi, gãy xương sườn, vỡ gan, lách, chấn thương sọ não, mạch, huyết áp không có.
“Tôi mang găng liên tục, đứng bên cạnh bệnh nhân và cứ chờ nhồi tim, hồi sức bệnh nhân. Ê kíp bơm thuốc, dịch truyền. Bệnh nhân có mạch trở lại, bác sĩ truyền máu, đặt nội khí quản, đặt dẫn lưu màng phổi và sau đó bệnh nhân được chuyển đi mổ lách vào 5 giờ sáng” - BS Tín nhớ như in.
“Bệnh nhân qua cơn nguy kịch, tôi và ê kíp trong phòng hồi sức thở phào nhẹ nhõm. Tôi đi vào phòng giao ban bốc một miếng bánh ăn và ra uống cà phê đối diện BV với cảm nghĩ vậy là giao thừa đã qua”, bác sĩ Tín chia sẻ.
Đêm tất bật của bác sĩ sản khoa
Tính đến nay gần 25 năm trong nghề bác sĩ sản khoa, số lần đón giao thừa cùng gia đình của TS.BS Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Sản M, BV Từ Dũ chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Những buổi trực đêm giao thừa để lại nhiều ấn tượng khó quên với chị. Một năm, vào thời khắc gần đến giao thừa, bác sĩ Thu Hà chuẩn bị gọi điện thoại chúc Tết những người thân. Bỗng nhiên có tiếng gọi cửa của một điều dưỡng: “Bác sĩ ơi, có thai phụ đang ra huyết!”. Khi chạy đến khám, bác sĩ Hà phát hiện sản phụ thai 35 tuần, bị nhau tiền đạo, ra huyết âm đạo nhiều. Ngay lập tức, sản phụ được chuyển đi mổ cấp cứu lấy thai. Sau ca mổ căng thẳng, may mắn thay cả trẻ sơ sinh và sản phụ đều khỏe mạnh.
Chưa hết, khi vừa mổ xong thì có xe cấp cứu chuyển bệnh từ tuyến trước đến, một trường hợp khá hy hữu, một sản phụ mang song thai, sinh bé gái thứ nhất ở tuyến trước, còn lại bé thứ hai trong tử cung không sinh được nên chuyển đến BV Từ Dũ.
Khi khám lại, các bác sĩ kết luận, bé thứ hai ngôi ngang. Vì sản phụ bị vỡ ối và cổ tử cung đã thu nhỏ lại nên quyết định mổ gấp để cứu em bé.
Sau đó, ê kíp đã mổ lấy thai thành công, một bé trai kháu khỉnh nặng 2,8 kg đã chào đời lúc 0 giờ 40 phút mồng 1 Tết. Đây là một ca đặc biệt vì hai chị em song sinh nhưng khác tuổi ta, khác nhau cách sinh.
Bác sĩ Hà cũng chia sẻ một câu chuyện dở khóc dở cười vì việc xem ngày giờ để sinh con vào Tết năm ngoái.
Một sản phụ mang thai tính đến 30 Tết thì thai mới được 36 tuần 3 ngày tuổi. Thế nhưng bà nội của bé khăng khăng yêu cầu mổ lấy thai sao cho bé ra đời vào năm Thìn.
“Dĩ nhiên yêu cầu của bà không được chấp nhận, chúng tôi đã ra sức giải thích với bà về nguy cơ của mổ lấy thai cũng như nguy cơ của bé sinh non tháng. Vợ chồng sản phụ cũng hiểu và đồng ý theo dõi thai đến ngày sinh cho bé thật sự trưởng thành, tuy nhiên bà nội bé không chấp nhận”, bác sĩ Hà kể lại.
Không hiểu “chiến tranh lạnh” trong gia đình làm sản phụ căng thẳng hay không mà đúng 30 Tết sản phụ bị ra nước âm đạo, vỡ ối non phải nhập BV Từ Dũ để theo dõi. Tình trạng sức khỏe của sản phụ và thai nhi cần đảm bảo nên các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho sản phụ đúng đêm giao thừa khi chưa qua năm mới. May mắn thay, cả mẹ và bé đều khỏe sau đó.
Vài năm gần đây, lượng sản phụ trong đêm giao thừa gần như những ngày bình thường. Vì thế, các bác sĩ trong đêm trực vẫn tất bật suốt đêm đỡ đẻ, phẫu thuật, làm bệnh án, thực hiện các thủ thuật…
“Sáng mồng 1 về nhà người mệt đừ nhưng vẫn vui và hạnh phúc vì không phải nghề nghiệp nào cũng có niềm vui được chứng kiến tiếng khóc chào đời của trẻ, được góp công làm “mẹ tròn, con vuông” của bao sản phụ và gia đình. Tất cả đã giúp chúng tôi mạnh mẽ hơn, yêu nghề hơn và gắn bó hơn với nghề mình đã chọn”, bác sĩ Thu Hà tâm tình.