Hà Nội

Tết Trung thu, quà cho người lớn nhiều hơn con trẻ

TS. Vũ Thị Minh Huyền

TS. Vũ Thị Minh Huyền

25-09-2023 07:11 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Trung thu, là giữa mùa thu. Tết Trung thu như tên gọi là ngày giữa mùa thu, tức là vào rằm (ngày 15/8) âm lịch. Ngày xưa, theo phong tục người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên.

Còn chưa đến 1 tuần nữa mới đến Tết Trung thu nhưng cách đây khoảng 2 tháng, thị trường bánh Trung thu đã vô cùng nhộn nhịp, các quầy bán bánh Trung thu đã tràn ngập vỉa hè các phố, có nhiều loại bánh xuất hiện với nhiều thương hiệu khác nhau, loại nào cũng có.

Tôi ra đại lý bánh kẹo mua bánh Trung thu để thắp hương mới hỏi giá của mấy hãng. Hộp gồm 4 bánh nướng 120g Sugar Free giá 520.000 đồng, hộp gồm 6 bánh nướng 80g + Trà Shan Tuyết cao cấp giá 1.980.000 đồng, hộp gồm 4 bánh nướng 80g giá 500.000 đồng, bánh nướng hạt sen trà xanh 2 trứng 210g giá 96.000 đồng/1 chiếc, bánh dẻo thập cẩm xá xíu 180g giá 74.000 đồng/1 chiếc… Bánh Trung thu trăng vàng kim cương 6 bánh 160g + trà giá 5.000.000 đồng/1 hộp…

Sau khi tham khảo giá bánh của hai hãng, tôi thấy là giá bánh bị tăng lên quá đắt so với giá trị của một chiếc bánh. Bánh đắt không phải do nhân làm bánh đắt mà bởi các hộp đựng bánh được làm to hơn, cầu kỳ, sang trọng hơn với mục đích dùng làm quà biếu cho người lớn chứ không đơn thuần là mua về cho trẻ em ăn dịp trung thu.

Thực tế là cách Trung thu hơn 1 tháng, tôi đã thấy nhiều bạn bè, đồng nghiệp của mình mua các hộp bánh Trung thu rất đắt tiền để đi tặng, biếu người khác. Nhiều doanh nghiệp đặt sản xuất bánh Trung thu, in luôn tên đơn vị mình để đi biếu đối tác, khách hàng.

Tết Trung thu truyền thống là ngày dành cho thiếu nhi, cũng là dịp để ông bà, cha mẹ thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của mình với con cháu. Vì vậy, chỉ trẻ con mới được tặng quà - những món đồ chơi truyền thống xinh xắn, hợp với lứa tuổi để "vui hội trăng Rằm" và những chiếc bánh nướng, bánh dẻo giản dị.

Nhưng giờ thì khác, người lớn tặng quà cho người lớn trong dịp Trung thu, quà cho người lớn nhiều hơn quà cho trẻ nhỏ… Thực tế cho thấy, rất nhiều người đổ xô đi mua những hộp bánh nướng, bánh dẻo, kèm theo những món quà đắt tiền để làm quà biếu. Đối tượng nhận quà càng quan trọng, giá trị món quà càng cao. Ngoài thị trường vì thế đã có những hộp bánh cao cấp có giá lên tới vài triệu đồng. Họ mượn lý do ngày này để tặng quà, làm cho ngày này không còn đúng với cái tên "Tết thiếu nhi" mà trước đây bố mẹ, ông bà tôi đã gọi. Trong thời đại hiện nay, ý nghĩa của Trung Thu đã mở rộng hơn. Không chỉ là dịp tụ họp gia đình mà còn trở thành sự kiện thương mại và kinh tế quan trọng. Doanh nghiệp thường sử dụng Tết Trung Thu để quảng cáo thương hiệu và tìm kiếm cơ hội kinh doanh hoặc là dịp để thể hiện sự tri ân dành cho khách hàng, đối tác, cộng sự. Tôi tự hỏi: "Trung thu giờ là Tết của thiếu nhi hay Tết của người lớn?"

Bánh Trung Thu ngày xưa ít nên lũ trẻ thời của chúng tôi chỉ ao ước được cắn thử miếng bánh một lần. Giờ thì khác rồi, nhiều đứa trẻ như con tôi còn chê bánh ngọt quá hay bánh truyền thống không ngon nên không ăn. Chúng không còn háo hức khi nhìn thấy bánh Trung thu. Ngày nay, Tết Trung thu cũng chẳng còn là niềm háo hức của những đứa trẻ vì đa phần người lớn sẽ đi chơi vào dịp này nhiều hơn, cũng chẳng còn tha thiết muốn ăn bánh Trung thu nữa vì bánh Trung thu có thể bán ở mọi lúc. Tết Trung thu dần trở thành một ngày lễ bình thường. Khi mà hoàn cảnh cuộc sống thay đổi, mức sống dần được nâng cao để đáp ứng nhu cầu, vật chất đủ đầy khiến nhiều người quên đi những giá trị cũ, niềm vui giờ đây cũng chẳng còn giống như lúc xưa.

Thật ra, việc tặng quà Trung thu không xấu nhưng không đúng với ý nghĩa thực của ngày Tết Trung thu truyền thống. Chưa nói đến những biến tướng của món quà Trung thu, nếu cứ để "thói quen" này tiếp diễn từ thế hệ này sang thế hệ khác, thì đã vô tình làm mất những nét đẹp văn hóa của Tết Trung thu.

Nhiều khi tôi chỉ ước được một lần trở về giây phút đón Trung Thu xưa, thời gian đẹp nhất tuổi thơ tôi. Một cái Tết Trung Thu thiếu thốn nhưng đầy ắp tiếng cười. Tôi ước Trung thu thật sự là một cái Tết đoàn viên, là dịp để sum họp, tạo sự thăng hoa trong tình cảm của gia đình và truyền thống giữa các thế hệ, là ngày vui nhất của những đứa trẻ. Dù cách thưởng thức của mỗi người có khác nhau nhưng đây vẫn là ngày lễ giữ được ý nghĩa thiêng liêng, là Tết cho thiếu nhi, là Tết đoàn viên để mỗi người có dịp quây quần bên gia đình.

Tôi ước người lớn không mượn lý do ngày Tết Trung thu để thực hiện những mục đích cá nhân, hãy trả lại ý nghĩa thực sự của ngày này cũng chính là góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống và xây dựng nét đẹp văn hóa ứng xử thời hiện đại. Mong muốn đơn giản nhưng sao khó quá!

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!



TS. Vũ Thị Minh Huyền
Ý kiến của bạn