Tết Trung thu 2024 vào ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa Tết Trung thu có gì đặc biệt?

26-08-2024 12:50 | Đời sống

SKĐS - Rằm tháng 8 - Tết Trung thu là một dịp lễ quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Vậy Tết Trung thu 2024 vào ngày nào? Nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ này là như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết.

Tết Trung Thu 2024 vào ngày nào, thứ mấy dương lịch?

Tết Trung thu, hay còn gọi là Tết Trăng Rằm, diễn ra vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hằng năm. Đây được coi là thời điểm trăng sáng và đẹp nhất trong năm. Trung thu còn có những tên gọi khác như Tết Trông Trăng, Tết Thiếu Nhi và Tết Đoàn Viên.

Đây là một trong những dịp lễ lớn trong năm trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Trung Thu cũng được coi là tết của thiếu nhi, là tết đoàn viên của các gia đình. Những đứa trẻ được phá cỗ trông trăng, chơi đèn ông sao, đèn cá chép, đèn kéo quân...

Năm 2024, Rằm tháng 8 - Tết Trung Thu diễn ra vào ngày 15/8 Âm lịch, tức thứ Ba ngày 17/9/2024 Dương lịch.

Tết Trung thu 2024 vào ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa Tết Trung thu có gì đặc biệt?- Ảnh 1.

Tết Trung thu năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 17/9/2024, thứ 3 Dương lịch.

Nguồn gốc ngày Tết Trung thu tại Việt Nam

Không ai biết Tết Trung thu có từ bao giờ, hoặc chính thức từ khi nào người Việt bắt đầu "ăn" Tết Trung thu. Sách "Việt Nam phong tục" của soạn giả Phan Kế Bính, có ghi lại rằng, Tết Trung thu còn gọi là Tết trẻ em, với tục treo đèn bày cỗ xuất phát từ điển tích liên quan đến lễ sinh nhật vua Đường Minh Hoàng, cả nước treo đèn kết hoa, lâu dần thành tục lệ. Và ở Việt Nam, do những ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa, cũng theo tục treo đèn vào đêm rằm tháng Tám.

Cụ Phan Kế Bính còn lý giải, tục rước đèn có từ đời Tống, truyền rằng thời vua Nhân Tôn có con cá chép thành yêu tinh, cứ đêm trăng lại biến thành cô gái làm hại người. Lúc đó ông Bao Công giúp dân làm chiếc đèn hình con cá để soi khi đi ngoài đường, khiến con tinh cá chép sợ mà không dám hại người nữa. Cụ Phan Kế Bính cũng giải thích thêm: "Lời ấy huyền hoặc lắm, vị tất đã thật".

Tết Trung thu 2024 vào ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa Tết Trung thu có gì đặc biệt?- Ảnh 2.

Tết Trung thu trong tranh dân gian.

Sách "Hội hè lễ tết của người Việt" của tác giả Nguyễn Văn Huyên cũng đề cập đến sự tích Trung thu liên quan đến vua Đường Minh Hoàng (thế kỷ VII): "Một đêm rằm tháng Tám, vua ra khỏi cung và được một đạo sĩ chống gậy đến mời lên cung trăng dạo chơi". Nhà vua đã thấy một thế giới khác hẳn trần gian, cây cối đang trổ hoa, thảm cỏ thơm và mượt như nhung, cung điện nguy nga có chữ "Cung Quảng Hàn", những nàng thiếu nữ xinh đẹp mặc xiêm hồng và áo trắng múa theo nhạc. Lúc trở về trần gian, nhớ những kỳ quan trên cung trăng, nhà vua đã sai các cung tần múa và đàn ca điệu này".

Sách "Bắc Kỳ tạp lục" của Henri-Emmanuel Souvignet xuất bản năm 1903 viết ngắn gọn: "Ngày 15 tháng Tám âm lịch, Tết Trung thu, trong ngày này mọi người làm và ăn những chiếc bánh có hình mặt trăng (bánh nguyệt hay bánh mặt trăng)".

Thậm chí, trong sách "Việt Nam Văn Minh Sử" của tác giả Lê Văn Siêu hồi đầu thế kỷ 20, khi phân tích các hình ảnh trên trống đồng Ngọc Lũ (văn hóa Đông Sơn cách đây khoảng 2.500 năm), cũng đề cập đến tháng Tám trăng sáng nhất, cùng các công việc chuẩn bị hội hè trước ngày đông chí, trùng hợp với khoảng thời gian diễn ra Tết Trung thu sau này.

Ý nghĩa ngày Tết Trung thu trong văn hóa người Việt

Đối với người Việt, đêm rằm tháng 8, đêm rằm Trung Thu mọi người vừa ăn cỗ vừa kể chuyện về trăng. Trăng là Thái Âm, là nơi mát lạnh với nhiều điều tốt đẹp, theo sự tích dân gian còn có thỏ ngọc, cây đa, chú Cuội, chị Hằng.

Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, ban ngày làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm đủ các màu sắc, sặc sỡ, xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành hình các bông hoa, nặn bột làm con tôm, con cá ...

Tết Trung thu 2024 vào ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa Tết Trung thu có gì đặc biệt?- Ảnh 3.

Hình ảnh rước đèn Trung thu là một phần không thể thiếu trong ngày hội trăng rằm.

Đồ trẻ con chơi trong Tết này toàn là các thứ bồi bằng giấy như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm cá, bươm bướm, bọ ngựa, cành hoa, giàn mướp, đèn cù, ông nghè đất, con thiềm thừ... những năm gần đây còn có nhiều đồ chơi bằng nhựa, bằng sắt...

Trẻ em tối đêm rằm dìu dắt nhau từng đàn từng lũ, đám thì nhảy ô, đám thì kéo co, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ…

Trong dân gian, Tết Trung Thu ngoài việc cúng gia tiên, phá cỗ, nghe chuyện về trăng, còn có chơi đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cá chép, đèn cầy... Các trò như múa sư tử, hát đúm, hát trống quân... đã trở thành ngày hội không những của trẻ em mà còn của người dân cả nước.

Những hình ảnh vô giá về Tết Trung thu xưa, thế hệ Gen Z bây giờ ước cũng không có đượcNhững hình ảnh vô giá về Tết Trung thu xưa, thế hệ Gen Z bây giờ ước cũng không có được

SKĐS - Những bức ảnh quá khứ dù chất lượng không cao nhưng vẫn diễn tả được sự náo nhiệt của ngày Tết Trung thu từng gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều người Việt.


Như Hoa (t/h)
Ý kiến của bạn