CHO SỰ SỐNG HỒI SINH (3): Tết, thương mẹ ở một mình nhưng bệnh nhân nặng cũng cần chúng tôi...

31-01-2022 17:39 | Sự hi sinh thầm lặng

SKĐS - Trực Tết với các thầy thuốc là chuyện không xa lạ, nhưng xa nhà suốt dịp Tết để trực chiến tại cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng thì đây là lần đầu tiên với các bác sĩ trẻ này…

Mẹ ở một mình nhưng bệnh nhân nặng ở Hà Nội cũng cần bác sĩ

Tết Nhâm Dần 2022 là cái Tết đầu tiên BSCK1 Đỗ Anh Sơn đón Tết xa nhà. Nam bác sĩ 32 tuổi quê Hậu Lộc, Thanh Hóa đang công tác tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội).

Từ tháng 5/2021, khi bệnh viện này bắt đầu điều trị COVID-19 nặng, anh là một trong những "chiến sĩ" đầu tiên của Bệnh viện này tham gia.

"Nếu áp lực của thời gian ấy đến từ việc mình chưa có kinh nghiệm điều trị thì hiện nay số lượng bệnh nhân nặng gia tăng, nguy cơ tử vong cao lại là áp lực chính" – BS Sơn nói.

Tết, thương mẹ ở một mình nhưng bệnh nhân nặng cũng cần chúng tôi... - Ảnh 1.

Những ngày cận Tết, khu điều trị COVID-19 ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) không có dấu hiệu giảm nhiệt. Hơn 300 bệnh nhân nặng, nguy kịch đang điều trị tại đây. Riêng khu hồi sức tích cực C3 luôn có hơn 20 bệnh nhân thở máy, lọc máu, mỗi ngày có khoảng 7 F0 mới được chuyển vào. Họ đều nguy kịch, sinh mệnh phụ thuộc hoàn toàn vào thầy thuốc. Số còn lại là các bệnh nhân phải hỗ trợ thở oxy gọng kính, oxy dòng cao (HFNC)...

Tự nguyện ghi tên vào danh sách trực Tết, hai tuần trước, vị bác sĩ này tranh thủ về thăm mẹ già 70 tuổi ở quê. "Gọi điện về thông báo cho mẹ tin Tết này con không về, mẹ có chút buồn nhưng không bất ngờ vì biết tính chất công việc của con trai út" – bác sĩ 9X có 7 năm kinh nghiệm chia sẻ.

Tết, thương mẹ ở một mình nhưng bệnh nhân nặng cũng cần chúng tôi... - Ảnh 2.

Tại khu hồi sức tích cực của bệnh viện luôn có hơn 20 bệnh nhân thở máy, lọc máu.

Sơn kể, đón con trai về quê ăn Tết sớm, mẹ tất tả chuẩn bị nhiều đặc sản quê hương chiêu đãi để con yên tâm ra Thủ đô chống dịch.

Về đón Tết sớm với mẹ, chàng bác sĩ trẻ mong giúp mẹ sửa sang, dọn dẹp cửa nhà đón Tết, nhưng điện thoại vẫn rung liên tục, mỗi ngày trung bình chừng 10-15 cuộc gọi của gia đình bệnh nhân hỏi han sức khỏe người nhà họ. Những ca bệnh nặng cần hội chẩn vẫn tham gia đều, vì thế, anh nói hầu như cũng không giúp được gì cho mẹ.

"Các anh chị trong gia đình ai cũng ở riêng rồi. Nghĩ cảnh đêm Giao thừa một mình mẹ lủi thủi rất thương nhưng nhiều bệnh nhân nặng ở Thủ đô cũng rất cần thầy thuốc. Đặc thù bệnh nhân COVID-19, mọi việc chăm sóc, điều trị đều phụ thuộc vào nhân viên y tế. Lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc thúc giục chúng tôi cần phải góp một chút sức lực nhỏ bé trong cuộc chiến với đại dịch này" – nam bác sĩ chia sẻ.

Nghĩ cảnh đêm Giao thừa một mình mẹ lủi thủi rất thương nhưng nhiều bệnh nhân nặng ở Thủ đô cũng rất cần thầy thuốc " - BS Đỗ Anh Sơn

Với Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), những ngày giáp Tết, gần 400 nhân sự của viện cũng căng mình phục vụ 4 phân mảng: Điều trị gần 70 bệnh nhân COVID-19 tiên lượng nặng và nặng ở khu vực Truyền nhiễm tại viện; Điều trị hàng trăm F0 tại cơ sở ở Đền Lừ (quận Hoàng Mai); điều trị bệnh nhân thường và tiêm chủng vaccine COVID-19.

TS Đinh Thị Lam, Phó Giám đốc Bệnh viện, chia sẻ, ở các khu vực đặc biệt này không có khái niệm ngày lễ, Tết bởi trong mọi tình huống đều đảm bảo quân số phục vụ tốt nhất cho điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Dù được giao điều trị bệnh nhân COVID-19 tầng 2, nhưng do lượng bệnh nhân tầng 3 ở Thủ đô gia tăng, các bác sĩ tại Bệnh viện này đã mạnh dạn điều trị vượt tầng với sự hướng dẫn của các chuyên gia để chia sẻ áp lực với các viện khác.

Trong tình hình bình thường mới, các thầy thuốc, cán bộ từ khu vực điều trị COVID-19 của Bệnh viện này nếu có xét nghiệm âm tính và các biện pháp phòng chống dịch, sẽ được về nhà cách ly rồi đi làm tiếp và có lực lượng khác bổ sung, thay thế.

Theo TS Lam, rất nhiều anh chị em, thậm chí có cả cặp vợ chồng trẻ mới cưới, xung phong ở lại chăm sóc điều trị F0, mấy tháng không về nhà.

"Nghề y mà, xa nhà trong dịp đặc biệt là chuyện bình thường"

Với các y bác sĩ, trực Tết là điều không hề xa lạ, nhưng năm nay lại là một cái Tết rất khác. Thầy thuốc sẵn sàng bên cạnh bệnh nhân COVID-19, cùng họ qua cả những ngày Tết là tinh thần chung của không chỉ hàng nghìn nhân viên y tế Thủ đô mà còn của các bệnh viện trên cả nước.

Những ngày này, tại Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có khoảng 140 y bác sĩ, tình nguyện viên đang có mặt tại đây. Ngoài gần 70 nhân viên y tế, tình nguyện viên của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội còn có 27 thầy thuốc từ Hà Giang; 35 bác sĩ, điều dưỡng từ Bệnh viện Xanh Pôn và 10 thầy thuốc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tới học tập, hỗ trợ chăm sóc, điều trị.

Tết, thương mẹ ở một mình nhưng bệnh nhân nặng cũng cần chúng tôi... - Ảnh 5.

Bên trong khu R13-R14 (điều trị bệnh nhân nguy kịch) tại Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh

Lực lượng cán bộ y tế này sẽ đảm đương hơn 200 bệnh nhân COVID-19, trong đó rất nhiều ca nặng, nguy kịch, phải thở máy, lọc máu, chạy ECMO (trao đổi oxy ngoài màng cơ thể).

Những ngày cận Tết, cứ chập tối, điện thoại bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Quỳnh lại vang lên. Cô con gái nhỏ mới 4 tuổi vốn bện hơi bố gọi điện hỏi: "Bao giờ bố về? Sao bố trực nhiều thế?" bởi gần 2 tháng nay, bé không gặp bố.

Anh là bác sĩ hồi sức tích cực tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang), tham gia đoàn cán bộ của tỉnh Hà Giang vượt gần 300km xuống Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 học tập, hỗ trợ điều trị, chăm sóc F0 từ 9/12/2021 và... chưa hẹn ngày về.

Không khí hối hả nhưng rất chuyên nghiệp trong buồng điều trị ca COVID-19 nặng, nơi BS Quỳnh lần đầu trải nghiệm. Ảnh: NV

Tết này, cũng như 26 thành viên còn lại trong đoàn, nam bác sĩ 33 tuổi lần đầu đón Tết  xa nhà.

"Mình là đàn ông còn đỡ, với các chị em trong đoàn, xa nhà, xa con ngày Tết rất nhiều tâm tư" – BS Quỳnh nói nhưng lại gạt đi ngay: "Nghề y mà, xa nhà trong dịp đặc biệt là chuyện bình thường. Chúng tôi động viên nhau, thử cái Tết xa nhà xem sao". Dẫu vậy, nam bác sĩ cũng chia sẻ sự khác biệt khi trực Tết tại nơi có nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch so với những cái Tết bình thường trước.

"Nếu những cái Tết trước, khi không phải trực, chúng tôi có thể về nhà, hay có thể sang chúc mừng, giao lưu cùng các đồng nghiệp, bệnh nhân ở các khoa, phòng khác thì nay, điều kiện đặc biệt, hạn chế tụ tập, chúng tôi đón Tết với nhau trong tinh thần, chúc mừng nhau qua điện thoại trên nhóm trao đổi chuyên môn" – BS Quỳnh chia sẻ.

"Nghề y mà, xa nhà trong dịp đặc biệt là chuyện bình thường" - BS Nguyễn Văn Quỳnh

Lấy vợ cùng nghề y, cũng đang đi học xa nhà, nam bác sĩ trẻ này tâm sự, Tết Nhâm Dần 2022 này ba người đành ăn 3 bánh chưng ở 3 nơi khác nhau. "Con gái tôi phải gửi ông bà nội chăm sóc. Vợ chồng tôi cũng phải lên dây cót tinh thần cho gia đình xác định trước việc không về nhà đón Tết" – anh nói. Dẫu vậy, những ngày cận Tết, ai cũng có những xốn xang, bùi ngùi, nhất là những khi nghe giọng con gái nhỏ hay người thân gọi điện kể chuyện Tết nhất nơi quê nhà rồi hỏi cảm giác ăn Tết Thủ đô có khác không…

Nhận lịch sẽ trực Tết vào đêm Giao thừa, nam bác sĩ không e ngại hay mảy may suy nghĩ. "Nhìn những người bệnh đang nằm hôn mê, phải thở máy, lọc máu…, xa người thân ngày Tết, các cán bộ y tế chúng tôi động viên nhau, cố gắng hết mình vì người bệnh và thêm trân trọng những khoảnh khắc khỏe mạnh" – BS Quỳnh tự nhủ…

Chỉ còn vài canh giờ nữa bước sang năm mới, mục tiêu lớn nhất của BS Sơn, BS Quỳnh và hàng chục nghìn đồng nghiệp tuyến đầu chống dịch trên chặng đường phía trước là tập trung điều trị, chăm sóc để có nhiều bệnh nhân khỏi bệnh. Với những F0 chưa thể bình phục, việc điều trị tốt cho họ cũng là để gia đình yên tâm ăn Tết.

Với họ, sự hồi phục của bệnh nhân chính là nguồn động viên, là món quà Tết ý nghĩa nhất cho các thầy thuốc dịp năm mới.

"Tết này chúng tôi xa gia đình để nhiều bệnh nhân được sum vầy. Tôi tin, sẽ còn nhiều Tết sau thầy thuốc được quây quần với những người thương yêu…" – BS  Sơn bày tỏ.

"Vắt chân" chạy để giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 nguy kịch 'Vắt chân' chạy để giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 nguy kịch

SKĐS - Luôn có khoảng 200 bệnh nhân COVID-19 với 40 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy, ECMO tại Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội...

Võ Thu
Ý kiến của bạn