Tết Thanh minh 2023 vào ngày nào? Giờ tốt ngày Tết Thanh minh 2023?

03-04-2023 10:25 | Đời sống
google news

SKĐS - Dù không là ngày lễ Tết lớn trong năm nhưng Tết Thanh minh lại mang đậm nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.

Tết Thanh minh 2023 là ngày đầu tiên của tiết Thanh minh. Tết Thanh minh 2023 nhằm ngày 5/4 dương lịch.

Nguồn gốc ngày Tết Thanh minh

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Tiết Thanh minh là 1 trong 24 tiết khí. Tiết khí này được lập lịch theo quan niệm của các quốc gia phương Đông.

Về mặt nghĩa đen, thanh có nghĩa là trong lành, sạch sẽ, minh có nghĩa là tươi sáng. Tiết thanh minh nghĩa là khi trời mát mẻ quang đãng. Tiết Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí, sau các tiết Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân.

Tết Thanh minh 2023 vào ngày nào? Giờ tốt ngày Tết Thanh minh 2023? - Ảnh 1.

Tết Thanh minh là ngày đầu tiên của tiết Thanh minh và thường không có ngày cố định. Tết Thanh minh 2023 nhằm ngày 5/4 dương lịch. (Ảnh minh họa)

Tiết Thanh minh kéo dài khoảng 15 - 16 ngày và ngày đầu tiên được gọi là Tết Thanh minh.

Ngoài Tết Thanh minh, vào những ngày đầu năm tháng 3 còn có Hội Đạp Thanh hay còn gọi là hội giẫm cỏ. Đây là lễ hội cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc trong dịp này, nam nữ sắm sửa cho mình quần áo đẹp để cùng đi chơi xuân.

Tết Thanh minh 2023 vào ngày nào?

Tết Thanh minh 2023 vào ngày nào? là thắc mắc của nhiều người.

Trong truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ nổi tiếng mà hầu như người Việt nào cũng thuộc: "Thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh...". Câu này khiến mọi người nghĩ rằng tết Thanh minh luôn diễn ra vào tháng 3 âm lịch.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay người ta tính các tiết khí theo lịch dương. Năm Quý Mão nhuận tháng 2 nên tết Thanh minh nhằm vào 15/2 âm lịch chứ không phải tháng 3 âm lịch.

Như vậy, vào năm 2023, Tết Thanh minh sẽ nhằm ngày 5/4 dương lịch (tức ngày 15/2 âm lịch), sau khi kết thúc tiết Xuân phân và kéo dài đến ngày 20/4.

Ngày hôm đó có các giờ tốt như: Giờ Sửu (01 giờ-03 giờ), Giờ Thìn (07 giờ-09 giờ), Giờ Ngọ (11 giờ-13 giờ), Giờ Mùi (13 giờ-15 giờ), Giờ Tuất (19 giờ-21 giờ), Giờ Hợi (21 giờ-23 giờ)

Ý nghĩa của Tết Thanh minh

Dân gian quan niệm “sống có nhà, chết có mồ”. Tức là đối với người khuất thì mộ là nhà; đối với người sống thì ngôi mộ khiến cho ta có cảm giác được gần, là nơi thể hiện tình cảm với người đã khuất.

Vào ngày Tết Thanh minh, chúng ta tưởng nhớ đến người thân đã mất bằng cách chăm sóc, dọn dẹp mộ của họ. Nếu như người thân của mình còn ở trong cõi ngạ quỷ, vong linh, thì họ vẫn được yên lòng. Đây là tấm lòng nghĩa cử tốt đẹp của người sống đối với người đã khuất.

Hơn nữa, việc tạ lễ như vậy cũng sẽ giúp cho những vị thần linh cai quản ở vùng đó có thêm phước báu, người thân của mình cũng được an ổn hơn.

Do vậy, Tết Thanh minh là một phong tục truyền thống có tính nhân văn, nhắc nhở chúng ta sống hướng về cội nguồn, niệm tâm tri ân, tỏ lòng thành kính của mình đối với những người đi trước.

Phong tục ngày Tết Thanh minh của người Việt

Ngày Tết Thanh minh gắn với nghi lễ tảo mộ, sửa sang lại phần mộ của gia tộc cho khang trang, sạch sẽ hơn. Vì thế, đây cũng là dịp để mọi người tri ân, tưởng nhớ những người thân đã mất.

Theo TS Nguyễn Ánh Hồng - Trưởng khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), vào ngày Thanh minh, người dân đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau tảo mộ. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên và thắp hương cho người đã khuất.

Dịp Thanh minh, các nghĩa trang thường nhộn nhịp, bởi trẻ con cũng được cho đi theo để nhận biết mộ phần của tổ tiên, học hỏi các nghi lễ truyền thống.

Những người sống xa quê cũng thường thu xếp công việc để về quê tảo mộ. Nhiều người không về đúng ngày Tết Thanh minh. Thế nhưng, họ có thể về bất kỳ ngày nào miễn vẫn còn trong tiết Thanh minh.

Sự nhân văn của người Việt cũng thể hiện trong dịp Thanh minh qua việc giúp sửa sang, quét tước cho những ngôi mộ vô chủ, hoặc những mộ phần ít người thăm viếng. Khi thắp hương cho mộ phần gia tộc mình, mọi người thường thắp cho mỗi ngôi mộ xung quanh một nén hương.

Trong ngày Tết Thanh minh, người Việt còn chuẩn bị mâm cúng tại nhà, ngoài mộ để cúng tổ tiên.



Như Hoa (t/h)
Ý kiến của bạn