Đứng giữa lòng nhà xông xênh, ngắm nhìn thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, lòng dạ nao nao, xao xuyến với non xanh hữu tình, như gấm, như hoa...
Bên đường qua lối lại, đâu đâu cũng thấy những cây đào da cóc xù xì, quyết liệt sinh tồn với khí hậu khắc nghiệt đang bung ra giữa giá lạnh, mây rừng, sương núi những nụ hoa tràn căng sắc thắm. Tôi như kẻ say Tết, xoay hết các cuộc chuyện vào Tết. Bởi Tết là vui, khai sáng lòng người, tình người, là dấu mốc chặng đường 365 ngày, để rồi lại miết mải đi tiếp đến cái hay, cái tốt đẹp hơn. Gặp Sèn Thăng Long, Phó Chủ tịch huyện Quản Bạ, tôi tớp tả chuyện Tết. Đo đếm được sự thóc mách của tôi nên chuyện xa chuyện gần, Long kết lại: Cái quan trọng là tự thân vận động của đồng bào khi ý thức tự chủ xóa đói giảm nghèo thực sự thấm vào tim óc mỗi người. Cho nên, Quản Bạ kỳ công nhân rộng giống hồng không hạt như một đặc sản riêng biệt; mở mang diện tích thâm canh ngô lai; phát triển cây dược liệu gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ gia đình giàu lên nhờ hồng, nhờ ngô, nhờ cây dược liệu kết hợp nuôi ong mật, tạo hàng hóa... Xây dựng nông thôn mới đủ 19 tiêu chí với Quản Bạ là vô cùng khó khăn. Thế nhưng, xã Đông Hà từ nghèo đói biết tự thân vận động đã thành xã đầu tiên của tỉnh Hà Giang đạt chuẩn nông thôn mới, đã và đang là hình mẫu để nhân ra... Gặp gỡ, mới hay: Đội ngũ lãnh đạo huyện Quản Bạ như biểu tượng của sức xuân: tươi tắn, sung sức, sung lực. Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch đều trong khung tuổi 32 đến 41. Họ là tập thể Thường trực huyện trẻ nhất trong số 11 huyện và thị xã của tỉnh Hà Giang. Lãnh đạo năng nổ; phong cách cụ thể, sâu sát, luôn đi về phía nhân dân; coi trọng kiểm tra, giám sát lãnh đạo xã, thôn, bản. Họ đến với dân bằng phương tiện riêng; nói với dân bằng công việc cụ thể! Sèn Thăng Long bộc bạch: Quản Bạ là nơi giàu tiềm năng du lịch, nhưng chưa giữ được chân khách. Họ như những con chim quý lưu trú qua đêm, rồi lại vù lên Mèo Vạc, Đồng Văn... cho dù tiềm năng du lịch nơi đây rất lớn. Cho nên, lo phát triển kinh tế, chúng tôi phải gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc. Chăm lo hạ tầng đáp ứng khách cao cấp; mở mang du lịch cộng đồng; du lịch xanh!...
Chợ Tết Đồng Văn. Ảnh Nguyễn Uyển
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tới bản Nậm Đăm (hồ nước đen) thuộc xã Nam Sơn của đồng bào Dao, nơi du lịch Homestay và Daolodge mở ra 5 năm lại đây, nhưng đã bộn khách từ các phương trời Âu, Mỹ, Á cùng khách “phượt” nội địa. Lý Quốc Thắng, chủ nhà homestay hồ hởi tiếp chúng tôi tại bàn nước ở thềm hè tầng dưới của ngôi nhà 2 tầng. Tầng I tường trình nguyên mẫu nhà Dao truyền thống, tầng II theo kiểu lắp ghép bằng vật liệu mới, cả thảy 14 phòng, 21 giường đôi, tiện ích đầy đủ; khách Tây, khách ta ưng thuận từ ăn tới ở, giá cả bình dân. Ngày nào, tuần nào cũng kín phòng. Năm nhà trong thôn (kể cả nhà Dao cộng đồng) có số giường tương tự; những khi đông khách thường điều chuyển cho nhau. Tết đến, khách Tây thường đông hơn. Họ ăn Tết, vui chơi, múa hát cùng dân bản... Khách ưng ý cũng bởi cảnh sắc thiên nhiên Nậm Đăm hấp dẫn. Những nấc ruộng bậc thang mùa lúa chín như “sóng vàng trên non”; mùa nước đổ như gương soi núi, soi trời xanh, mây trắng. Khi nước hồ Nậm Đăm như nhúng chàm là lúc chim én cư trú trong những mái nhà người Dao theo nhau túa ra chao liệng, giỡn cùng mây nước báo hiệu mùa xuân vui, xuân đẹp đã về. Khách hoan hỉ khám phá, thụ hưởng cảnh sắc thiên tạo của “đôi núi Cô Tiên”, hang Khổ Mỷ, thác Tre Em; thích thú với Lễ hội Cấp sắc độc đáo của người Dao chàm; trang phục truyền thống nhộn nhã; kiến trúc nhà ở lạ lẫm; tình người chân chất!
Mận, đào trong vườn các gia đình người Mông ở Lùng Tám sớm bung hoa. Hương xuân chan chan hơi ấm gọi cây cối bật chồi, nảy lộc. Tết cổ truyền - Tết chung của các dân tộc ở Hà Giang - thôi thúc thiếu nữ Mông đua nhau trưng diện trọn bộ trang phục với váy hình nơm, hình ống, hoa văn sặc sỡ, xếp nếp bên hông; áo cánh xẻ ngực, yếm lửng, thắt lưng chét eo, khăn thêu đội đầu, xà cạp bó chân... khiến Lùng Tám tưng bừng, sáng láng cả trời xuân, rừng xuân, thấm đẫm sắc màu, khó đâu sánh nổi... Có được nét xuân thế ấy cũng bởi Lùng Tám sớm mở hướng đi cho mình bằng việc lập Hợp tác xã dệt lanh truyền thống. 17 - 18 năm nay, vải lanh thổ cẩm của Lùng Tám đã “Vượt Cổng Trời” đến các phố phường của đất nước, đến với hơn trăm quốc gia theo đơn đặt hàng. Vải lanh Lùng Tám, hàng tiêu dùng sản xuất từ lanh, đã thành điểm gọi khách tứ phương. Ngàn đời nay lanh và hàng thổ cẩm đã là linh hồn, là tinh hoa văn hóa độc đáo của dân tộc Mông. Hàng trăm gia đình xưa đói nghèo, nay nhờ vải lanh nên nhà nhà xây mới, phương tiện nghe nhìn được mua sắm, con em tíu tít tới lớp tới trường.
Quốc lộ 4C trải nhựa phẳng phiu nhưng quanh co, ngoằn ngoèo theo núi, theo đèo khi vút lên, khi tụt xuống bồng bềnh, chòng chành, lênh bênh như xiếc văng, đưa chúng tôi đến Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn... Xuân rộn ràng gieo vào tâm khảm bao tin yêu, hy vọng, rằng: Tập đoàn sữa lớn đã và đang đầu tư tới 4.500 tỷ đồng cho Dự án Chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao Hà Giang; Dự án Trồng và chế biến dược liệu tại Xín Mần, Hoàng Su Phì và Bắc Mê... Chan chan những dấu ấn không thể mờ phai về nhà Pao ở Sùng Là; kiến trúc cổ kỳ vĩ dinh Vua Mèo thời xa ngái; cột cờ Lũng Cú chọc trời hãnh diện với cương vực hùng vĩ bất di bất dịch của Tổ quốc... được tôn tạo, chỉnh trang... Thị trấn Đồng Văn đẹp, sang trọng bởi những công sở hiện đại, những khách sạn nhiều sao, những nhà dân muôn vẻ. Phố cổ của người Tày, người Mông, người Hoa xây nên từ thế kỷ trước, nguyên nếp dưới chân núi Đồn Cao, nhộn nhàng khách thăm, khách nghỉ...
Chợ Tết Đồng Văn là gương phản chiếu sức sống kinh tế của cao nguyên đá. Nông nghiệp từ tản mạn sang chiều sâu; từ tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, dịch vụ. Các vùng chuyên canh rau, dược liệu hình thành. Gia trại gia súc, gia cầm, ong mật tăng nhanh... Các cây lê, tam giác mạch, dược liệu ngày càng rộng mở... Bởi thế, chợ Tết mới đầy ắp sản vật chắt ra từ đá núi, sương rừng như: trâu, bò, lợn, gà, dê; măng, rau, mộc nhĩ, nấm hương; ngô, đỗ, đậu, hạt dẻ (đo lường bằng ống bơ); rượu ngô chứa trong can trong chĩnh xếp hàng xếp dãy; bánh kẹo làm từ tam giác mạch: mật ong, lê, táo, hạt óc chó bày la liệt. Sặc sỡ sắc màu trong các quán lá là đồ trang phục: váy, áo, khăn, mũ, thổ cẩm, túi, ví, xà cạp... chen chúc người mua. Hàng dưới xuôi đổ lên nhiều là đồ ăn, thức đựng, bánh kẹo, đường, sữa, muối, mắm; gương, lược; các vật dụng trang trí trong gia đình ngày Tết. Xuống chợ ai ai cũng xúng xính trang phục truyền thống dân tộc, ríu ran nói cười xởi lởi. Đến chợ để mua bán, đổi trao; để gặp gỡ lứa đôi; bên nhau cho thắm lời hẹn ước, để sẻ chia nỗi niềm; để thưởng thức bát rượu ngô, tô thắng cố, chênh chao điệu khèn... Hỏi chuyện vợ chồng Sùng A Pao, người bản Phong: Sắm Tết nhiều không mà vợ chồng phải cùng nhau xuống chợ sớm thế? Pao thản nhiên: Ồ, xưa ta kiếm vợ ở chợ này. Nay xuống chợ vợ chồng phải cùng đi. Ta rượu say, vợ phải cho ta về!... Trước khi vào bàn rượu, tôi lại hỏi: Tết này nhà Pao có gì khác trước? Pao lại ồ lên: Dân bản chung một Tết rồi. Cùng múa hát, thổi khèn, kéo co, ném còn, đẩy gậy vui lắm. Nhà ta sẽ mổ lợn, cúng lễ tổ tiên; cầu thần linh, chúa núi phù hộ cho ta, con cháu ta và dân bản ngày thêm no đủ!...
Chợ tan. Tiếng sáo, tiếng khèn quanh những bàn rượu vẫn chênh chao, vương vấn cung hẹn cung chờ. Thơ ai đó gieo vào tim can nhung nhớ, da diết nỗi niềm... khiến chúng tôi cũng liêu xiêu: “Chợ đã tan nhưng nỗi nhớ không tan/ Anh vẫn đợi và em vẫn đợi/ Ta đếm ngày mong phiên chợ tới/ Ta đếm đêm mong ở bên nhau”!