Tết ở bệnh viện

25-02-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Không giống như không khí đón Tết ở khắp mọi miền Tổ quốc cùng kiều bào ta ở nước ngoài, Tết ở bệnh viện thật đặc biệt.

Không giống như không khí đón Tết ở khắp mọi miền Tổ quốc cùng kiều bào ta ở nước ngoài, Tết ở bệnh viện thật đặc biệt. Ðối với các thầy thuốc là sức ép, là sự gồng mình vì lượng bệnh nhân vào cấp cứu tăng đột biến so với ngày thường, còn đối với người bệnh và người nhà bệnh nhân, Tết chỉ khiến họ thêm tủi vì bệnh tật.

Tết đã về với khoa Khám bệnh BV Đại học Y Hà Nội.

Tết đã về với khoa Khám bệnh BV Đại học Y Hà Nội.

Với các thầy thuốc

Những người đã trót mang nghiệp y thì trực Tết là việc làm thường quy, cũng chẳng ai oán trách hay ca thán gì vào những ngày này phải đi trực. Bởi khi đã chọn nghề y, các thầy thuốc đã chọn cho mình sự hy sinh. GS.TS. Nguyễn Hữu Tú - Trưởng khoa Gây mê hồi sức và chống đau, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: Có hy sinh như vậy mới có vinh quang của nghề. Đã làm thầy thuốc là phải trực Tết, thậm chí trực suốt đời vì khi nào bệnh nhân cần mình đều phải đáp ứng được. Dịp Tết, hầu hết mọi người đều được sum họp đoàn tụ bên gia đình, được nghỉ ngơi vui chơi thỏa thích thì những người thầy thuốc chúng tôi lại phải gồng mình chiến đấu với bệnh tật. Bởi năm nào cũng vậy, Tết là thời điểm gia tăng các trường hợp cấp cứu. Những trường hợp cấp cứu nặng, người bệnh được chuyển phẫu thuật và được gây mê hồi sức. GS. Tú cho biết, cũng như mọi năm, năm nay, khoa đã phân công lịch trực Tết cho anh em trong khoa từ 1 tháng trước Tết để anh em thu xếp việc gia đình. Dịp Tết, lượng bệnh nhân đến cấp cứu tăng hơn ngày thường trong khi hệ thống xử lý lại không được như ngày thường, chính vì vậy, gánh nặng và sức ép dồn lên vai những người trực Tết. Ngoài việc sẵn sàng trực Tết tại bệnh viện, khoa tôi cũng như các khoa khác trong bệnh viện đã bố trí lực lượng trực ngoại viện để ứng phó trong các tình huống cần thiết như thảm họa, tai nạn hàng loạt… Lực lượng này tuy không trực tiếp tham gia trực Tết nhưng không được đi xa và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi được huy động.

Song những người thầy thuốc cũng có những trải nghiệm riêng tại bệnh viện. Ngoài những giây phút cam go, giành giật lại sự sống, chiến đấu với bệnh tật, anh em đồng nghiệp lại có giây phút hiếm hoi cùng nhau đón một năm mới thật giản dị ở ngay tại bệnh viện. Đã thành thông lệ, năm nào anh em trực Tết cũng được lãnh đạo bệnh viện đến thăm hỏi và động viên.

Chia sẻ về công việc ngày Tết của mình tại bệnh viện, TS. Hoàng Bùi  Hải - Phụ trách khoa Cấp cứu hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, dịp Tết, lượng bệnh nhân vào khoa anh cấp cứu bao giờ cũng đông hơn gấp 1,5 - 2 lần so với ngày thường. Mặc dù cấp cứu là bất kỳ lúc nào nhưng vào dịp Tết, tình hình tai nạn giao thông gia tăng, tình trạng ngộ độc thực phẩm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm tăng... khiến cho bệnh nhân vào cấp cứu nhiều lên làm cho các anh luôn chịu một sức ép rất lớn trong những ngày này. Đã hơn mười năm nay, anh thường phải trực Tết trong bệnh viện. Vợ anh đã quá quen với công việc trực của chồng nên thường hỏi anh tuần này nghỉ ở nhà những ngày nào. Còn con anh cũng đã quen với việc thời khắc giao thừa không có bố bên cạnh nên cháu thường gọi điện hỏi thăm bố vào những giây phút thiêng liêng này. Anh bảo có khi cũng chẳng được xem bắn pháo hoa vì đúng giao thừa có bệnh nhân cấp cứu. Công việc quá bận rộn nên anh không có nhiều thời gian để buồn, cũng có lúc thấy chạnh lòng nhưng những phút giây này thường qua đi rất nhanh, nhường chỗ cho sự bận rộn cấp cứu người bệnh, xử lý các tình huống cấp cứu.

Với người bệnh và gia đình

Ông Nguyễn Chí B. (quê Nam Định) có vợ 52 tuổi bị u não đang được các bác sĩ khoa Ngoại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cứu chữa. Ông tâm sự, vợ ông gần đây tự nhiên bị đau đầu liên tiếp 5 ngày liền, đi khám phát hiện một khối u đường kính 45 - 48mm ở não trái. Sau đó, các bác sĩ đã mổ lấy khối u. Ông nói được ăn Tết ở nhà là điều tuyệt vời nhất, năm nay, lần đầu tiên ông bà phải ăn Tết trong bệnh viện. Đối với ông bà, giờ đây chỉ mong kết quả sinh thiết của bà tốt - đấy chính là cái Tết lớn nhất đối với ông bà. Khi được hỏi ông bà sẽ đón Tết như thế nào trong bệnh viện, ông rưng rưng nước mắt sẻ chia, coi như không có Tết nếu Tết đến chỉ là sang năm và hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Chẳng ai mong ăn Tết trong bệnh viện, mình rơi vào hoàn cảnh này thì phải cố gắng khắc phục hết mức thôi. Theo ông, ở trong bệnh viện, bệnh nhân không có khái niệm Tết. Có khi chính Tết đến lại càng làm ông cảm thấy buồn tủi hơn. Hiện vợ ông vẫn phải ăn xông, tình trạng sức khỏe đang khá dần. Trước đây, cứ 1 - 2 tháng ông cũng thấy vợ kêu đau đầu nhưng vì cứ nghĩ bà bị đau đầu do thời tiết, hơn nữa có đi khám thì cũng chẳng nghĩ là phải chụp não.

Mong muốn duy nhất của bệnh nhân và người nhà là không phải đón Tết trong BV.

Chị Nguyễn Thị Bích N., 31 tuổi, là con gái của bệnh nhân Nguyễn Thị Kim H., 52 tuổi (ở Nghệ An), tai nạn giao thông khiến bà bị dập não, hiện đang trong tình trạng hôn mê sâu. Chị tâm sự, vừa từ Đức trở về khi nghe tin mẹ bị trọng bệnh. Cũng may là bà được cấp cứu kịp thời nên mới thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Chị cho biết, hiện mẹ chị đang được điều trị kháng sinh liều cao để tiêu diệt máu tụ và các ổ dịch trong não. Nếu sau đợt dùng kháng sinh này mà tình trạng bệnh không tiến triển bà sẽ phải mổ lại. Chị vừa mới hết tang bố, những tưởng năm nay sẽ được thanh thản hơn, nào ngờ mẹ lại bị tai nạn quá nặng. Vì xa nhà đã lâu, khi Tết Việt ở Đức, chị vẫn đi làm bình thường, chỉ thắp hương cúng tổ tiên. Đây là lần đầu tiên chị về Việt Nam vào dịp Tết, giờ đây, chị chỉ từng ngày từng giờ mong mẹ mình hết sốt, bệnh thuyên giảm, nhìn được bên này bên kia. Thỉnh thoảng chị thấy mẹ chảy nước mắt, miệng ừng ừng rất tội. Tết đến, chị sẽ cùng người nhà bệnh nhân khác sẻ chia buồn vui trong bệnh viện.

Thay lời kết

Các cụ nhà ta có câu: Vui như Tết nhưng chỉ bước qua cánh cổng bệnh viện thôi là bạn sẽ cảm nhận một không khí Tết hoàn toàn khác, cùng với sự gồng mình vì người bệnh và sức ép trực Tết của những người thầy thuốc là những phận đời không may mắn của những người phải ăn Tết trong bệnh viện. Với cả thầy thuốc và bệnh nhân cùng người nhà, Tết chỉ là khát khao khỏi bệnh để trở về bên mái nhà thân yêu của mình.

Bài, ảnh: Mai Hương

 

 

 


Ý kiến của bạn