Cụ thể, Sở Công thương TP. Đà Nẵng cho biết, hiện nay, các đơn vị, doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn đã chuẩn bị đầy đủ các loại hàng hóa bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Dự kiến tổng hàng hóa khoảng 2.800 tỷ đồng, bao gồm các loại hàng hóa thiết yếu như: gạo, thịt, đồ khô, bánh kẹo, mứt, hạt dưa, rau, củ, quả…
Sở Công Thương cũng tổ chức phát động Tháng khuyến mại kích cầu mua sắm trên địa bàn TP. Đà Nẵng (đợt 2) từ ngày 25/11/2024 đến 28/1/2025; tổ chức hội chợ Xuân 2025 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng từ ngày 9-14/1 với quy mô 200-250 gian hàng, lễ hội Tết Việt Hòa Vang 2025 từ ngày 17 đến 21/1.
Dự kiến từ ngày 25-27/1 (tức ngày 26-28 tháng Chạp), trên địa bàn Thành phố có 14 điểm bán hàng bình ổn các mặt hàng gia súc, gia cầm để phục vụ người dân.
Thời điểm này, Sở Công thương tỉnh Phú Yên cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 5-7 đợt đưa hàng Việt về các khu vực nông thôn trên địa bàn nhằm giúp người dân dễ dàng hơn trong việc mua sắm Tết.
Sở Công Thương tỉnh Phú Yên cho biết, Sở đã vận động các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn triển khai các chương trình bán hàng cố định phục vụ tết với các gói sản phẩm ưu đãi, khuyến mại, nhằm kích cầu tiêu dùng và giảm áp lực chi tiêu cho người dân.
Ngoài các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, Sở Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở cung ứng xăng dầu, Công ty Điện lực Phú Yên để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu, điện ổn định, hỗ trợ sản xuất và sinh hoạt trong thời điểm cao điểm.
Tại tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh này cũng đã ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu nhằm bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Kế hoạch thu hút 11 doanh nghiệp lớn chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng tiêu dùng, nhiên liệu với tổng kinh phí hơn 507 tỷ đồng.
Ngoài ra, một lượng lớn hàng hóa được dự trữ tại các cửa hàng và 148 chợ trên địa bàn cũng là một kênh lớn đáp ứng nhu cầu hàng hóa của nhân dân trong dịp Tết.
Nhóm mặt hàng bình ổn giá gồm: Lương thực (gạo tẻ thường, gạo thơm sản xuất trong nước), thực phẩm (thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, đường, bột ngọt và các loại thực phẩm chế biến, rau củ quả), nhiên liệu. Thời gian bình ổn từ ngày 15/12/2024-28/2/2025.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, Kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 được triển khai sớm.
Hiện nay ngành công thương tỉnh Đắk Lắk tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ để kịp thời đề xuất các biện pháp ứng phó nhằm ổn định thị trường;
Đồng thời, động viên, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển mạng lưới bán hàng, đảm bảo đủ và kịp thời cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân mua sắm để vui Xuân đón Tết; khuyến khích các đơn vị tham gia chương trình bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn.
Đại diện Saigon Co.op cho biết: "Bắt nhịp thị trường đang sôi động từng ngày, từ ngày hôm nay (02/01/2025), hơn 3.500 sản phẩm Tết giảm giá đến 50% sẵn sàng chờ người tiêu dùng đến chở về nhà với các sản phẩm thiết yếu như: bánh mứt kẹo, bánh chưng bánh tét, giò chả, lạp xưởng, khô bò, dưa hành củ kiệu, các loại hạt, nước giải khát…
Ngoài ra, các trang phục áo dài nam nữ đón Tết, mỹ phẩm làm đẹp cá nhân, hóa phẩm, trang hoàng nhà cửa và hơn 800 phiên chợ Tết đồng giá; trao tặng hàng ngàn bí kíp sắm Tết… cũng đã sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng".