Tết ngày xưa...

08-02-2019 09:22 | Y tế

SKĐS - Tết những năm 80 của thế kỷ trước, kể chuyện lại cho các bác sĩ trẻ ở bệnh viện, chúng chỉ cười mà không hiểu gì.

Nhưng đối với chúng tôi, những ngày Tết hơn 30 năm về trước chỉ như ngày hôm qua, vẫn đầy đủ màu sắc, âm thanh, mùi vị. Tết của một gia đình bác sĩ đông con với cuộc sống còn nhiều khốn khó của thời kỳ trước đổi mới có thể so sánh nhưng không thể đánh đổi, vẫn là những thời khắc hạnh phúc theo cảm nhận đi mãi cùng tôi.

Phong tục gói bánh chưng ngày Tết chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Phong tục gói bánh chưng ngày Tết chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Tết chỉ có 3 ngày (ngày 30, mồng 1 và mồng 2). Mà cũng chẳng nên dài hơn, đến mồng 2 là cũng hết đồ ăn rồi. Quần áo mới cũng không thật đúng nghĩa, khi có quần mới lại thiếu áo mới và ngược lại.

Không phải đi học là vui rồi nhưng chúng tôi lại phải lăn vào giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ, mua sắm tích trữ thức ăn, kiếm thêm thu nhập... Anh tôi đi học xa nhà, do đó chỉ còn tôi là con trai trong nhà, được coi là có sức khỏe, tôi nhận nhiều nhiệm vụ do mẹ phân công: Phải mua được túi hàng Tết có bóng bì thật ngon, đi làm bánh quy gai cho cả nhà tiếp khách, mua thịt thủ hay chân giò để còn được một gấp đôi (khối lượng thịt được tính gấp đôi nếu ta chịu mua loại thịt thứ phẩm).

Ngày Tết, chúng tôi được ăn nhiều thịt hơn, nhiều lòng lợn hơn. Chúng tôi ăn như hổ đói vì quanh năm đã bị cơn thèm thịt dày vò. Nhưng thịt còn phải để dành cho mấy ngày Tết chính. Thịt mua bằng tem phiếu, tôi chầu chực cả ngày để lĩnh được suất chia của bố tôi tại bệnh viện... cũng chỉ được chừng 2kg. Đem gói bánh chưng đã hết gần nửa, còn lại đem rán húng lìu chỉ đến mồng 2 Tết là hết. Nồi bánh chưng ngày Tết luôn là kỷ niệm khó quên. Nó chất chứa cả vật chất, thời gian, công sức và cả tâm linh nữa. Xong nồi bánh chưng thơm ngon, dền, lá xanh biếc, ta sẽ thảnh thơi và ngược lại. Tất cả những gì tích góp được trong năm đều nằm trong nồi bánh: gạo nếp, đỗ xanh, thịt thà. Chen lấn mãi, chọn mãi mới được trăm lá dong đẹp. Ngâm nước lạnh cả ngày, rửa lá, ngâm gạo, ngâm đỗ, tẩm ướp thịt... rồi cũng đến lúc bác hàng xóm trình diễn màn gói bánh. Mỗi Tết, nhà tôi chỉ có gói được hơn 2 chục bánh. Khi luộc bánh chưng ở nhà sẽ làm niềm vui bất tận của trẻ thơ. Chúng tôi được tắm nước lá mùi bằng nước nóng từ nồi bánh. Nướng ngô, nướng khoai, chơi bài đến khuya với bọn trẻ con cùng lứa. Nếm chiếc bánh con con dành riêng cho bọn trẻ thật nóng và ngon. Cũng có khi chỉ mình tôi thui thủi đèo bánh đi gửi vào nhà bếp của bệnh viện bố, rồi sáng sớm tinh mơ lại đèo bánh về. Công việc như một tiếp phẩm.

Mẹ tôi rất mê tín và lo sức khỏe, nên luôn bắt tôi ra khỏi nhà sau giao thừa rồi lại vào nhà mừng tuổi mẹ và nói to: Chúc mẹ khỏe. Tôi là người được mừng tuổi nhiều nhất trong 4 anh em nhưng không vì thế mẹ tôi có thể ở lâu hơn với chúng tôi. Bệnh nặng, lao lực kiếm sống, thiếu thuốc..., mẹ tôi chỉ sống được đến năm 60 tuổi. Từ mồng 2 đến mồng 4 Tết, bố tôi thường bắt chúng tôi khai bút đầu xuân. Ai làm việc đó sớm nhất sẽ được khen thưởng. Bài tập Tết khá nhiều nên chúng tôi tuân theo quy định này rất nghiêm chỉnh. Thoắt cái đã lại hết Tết, học tập bình thường, cũng không thể nấn ná, ai cũng vậy cả.

Trong ngôi nhà 12m2, những lỗ thủng trên tường được che bằng những tờ lịch cũ. Cửa sổ, mái nhà gió rét lùa vào thoải mái. Một lọ hoa đầy đủ tím violet, thược dược béo tròn, layơn kiêu sa, hoa bướm giản dị. Tiếng nhạc từ chiếc đài đĩa Liên Xô Rigonda luôn vang lên những bài hát của ABBA, Boney M, Moder talking... Bố mẹ tôi say sưa nhìn chúng tôi ăn thịt, ăn bánh, mọi người rôm rả chuyện và luôn nhớ về người anh cả đi học ở Liên Xô đã gần 6 năm chưa về thăm nhà. Tiếng pháo lúc vang giòn, lúc ầm ĩ nơi xa. Tôi chạy ra mở tung cửa sổ, cửa ra vào đón gió xuân, hưởng mùi khói pháo rồi lấy tiền mừng tuổi của mẹ... Vậy mà đã hơn 30 năm rồi.

Quãng thời gian khốn khó đã hun đúc cho 4 anh em chúng tôi nên người. Chính nó cũng mang đi xa mãi người mẹ ốm đau khó nhọc của chúng tôi. Không ai thời đó có thể nghĩ là người Việt Nam có ngày sẽ đẩy xe chất đầy hàng từ siêu thị, tự tay lái ôtô đưa vợ con đi dạo quanh những phố xá đầy đèn màu và nhà cao tầng. Cái được thật đáng sửng sốt, song cái mất cũng làm ta tiếc ngẩn ngơ?!


BS. Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương)
Ý kiến của bạn