Tết này còn ai treo tranh Hàng Trống ?

15-01-2021 08:26 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tranh Hàng Trống có đề tài đa dạng: tranh lịch sử, tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh trang trí, tranh sinh hoạt xã hội... Nhờ thế, dòng tranh này có mặt trong nhiều tầng lớp trong xã hội, được treo ở nhiều không gian khác nhau.

Đỉnh cao của nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam

Thời kỳ được cho là hoàng kim của tranh Hàng Trống là vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Về sau, dòng tranh này được bán ở khắp các khu vực Hàng Bồ, Hàng Nón, Hàng Trống. Khuôn khổ của tranh Hàng Trống lớn hơn nhiều so với các dòng tranh dân gian khác. Những tranh như: Ngũ Hổ, Công, Cá,... cho thấy một kỹ thuật khắc gỗ đạt đến trình độ tuyệt xảo, đáp ứng nhu cầu chơi tranh của giới thị thành.

Tranh Hàng Trống chỉ trải qua 2 công đoạn in và vẽ, nhưng nó làm nên cả một thế giới quan của người Việt. Ván khắc được lăn mực đều sau đó đặt giấy lên sao cho thật phẳng, sau đó nghệ nhân dùng bàn xoa để xoa lên mặt sau của tờ giấy cho những nét khắc được hiện hình. Sau khi đã có nét, tranh Hàng Trống bắt đầu được tô màu bằng bút lông hoặc bút thép. Cách tô màu của tranh Hàng Trống cũng hết sức đặc biệt. Bút lông mềm rộng bản, một nửa ngọn bút chấm màu, nửa ngọn bút kia chấm nước lã, khiến cho nét bút khi đặt xuống mặt giấy đã có hai sắc độ đậm nhạt khác nhau.

Sau khi vẽ nét xong, tranh Hàng Trống thường được bồi bằng 3 đến 4 lớp giấy, vì đặc thù của tranh khắc gỗ chỉ cho những đường nét đẹp trên một nền giấy mỏng (thường là giấy báo hay giấy xuyến chỉ, cao cấp hơn là nền lụa). Những chất liệu này sẽ khiến tranh có một hiệu ứng màu tốt. Tùy thuộc từng tranh cụ thể mà có tranh chỉ bồi một lớp, có tranh lại phải bồi đến 2 hay 3 lớp giấy.

Khi hồ đã khô thì mới có thể vẽ màu lại. Có khi phải mất đến 3, 4 ngày mới hoàn thành một bức tranh. Màu sắc trong tranh Hàng Trống cũng có những nét khác biệt so với các dòng tranh còn lại. Màu được chế từ tự nhiên, hoặc sử dụng phẩm màu. Tranh dùng nhiều các gam màu tươi rói như lam, hồng đôi khi có thêm lục, đỏ, da cam, vàng... Màu đen của tranh được làm từ tro rơm nếp hay tro lá tre được đốt và ủ kỹ; màu vàng từ hoa hòe; màu chàm (xanh lục) của các loại nguyên liệu từ núi rừng; màu son bằng đá son tán nhuyễn. Các màu hồng điều, lam, lấy từ màu phẩm.

Những sắc màu bình dị này pha với dung dịch hồ nếp cổ truyền tạo cho tranh một vẻ óng ả và trong trẻo mà các loại màu hiện đại không thể nào có được. Để tạo ra được một loại màu cổ truyền, các nghệ nhân phải ủ, phải sắc nguyên liệu như sắc thuốc Bắc, phải cô đặc dần bằng cách đun nhỏ lửa liên tục mấy ngày trời rồi lại lắng cặn, chắt nước. Đây cũng là bí quyết riêng của mỗi nhà khắc in vẽ tranh Hàng Trống.

tranh hàng trốngTranh Hàng Trống được coi là đỉnh cao của kỹ thuật tranh dân gian Việt Nam, với kỹ thuật tỉ mỉ, tinh tế và giá thành cao.

Tranh dân gian trên “chợ mạng”

Theo quan sát của giới nghiên cứu, những năm gần đây, số lượng người mua tranh dân gian giảm dần, nhưng khi có nhu cầu, chỉ cần một vài thao tác trên internet là dễ dàng tìm ra vô số đầu mối kinh doanh tranh Tết. Tất nhiên, tranh Hàng Trống cũng “góp vui” dịp này. Các sản phẩm đều được rao bán công khai, với đủ kích cỡ 37x52cm, 50x70cm, 60x80cm, 80x110cm... Giá cả có phần dao động, có bức chỉ có vài trăm ngàn nhưng cũng có bức lên đến chục triệu đồng.

Tuy nhiên, mua tranh trên mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khi người mua không được nhìn thấy bản khắc gỗ, vì thế họ phải quan sát thật tỉ mỉ, tránh mua nhầm bản vẽ phác họa, không rõ nguồn gốc. Đó là chưa kể những bức tranh in sẵn được sản xuất hàng loạt để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Giá trị của tranh Hàng Trống đã được khẳng định nhiều lần bởi các nhà khoa học, giới mỹ thuật. Hơn nữa, nhìn vào nhu cầu của công chúng mới thấy tranh dân gian Việt Nam vẫn có một chỗ đứng nhất định trong cuộc sống hiện đại. Nhưng hiện nay có bao nhiêu người Việt còn treo tranh dân gian để trang trí nhà cửa? Tất nhiên là không nhiều, và nếu không thể tìm ra phương thức để thích ứng với thị trường, với cuộc sống, thì tranh Hàng Trống nói riêng, tranh dân gian Việt Nam sẽ sớm rơi vào cảnh “chợ chiều”.


Tùng Lâm
Ý kiến của bạn