Người Việt chen chúc ở cửa khẩu làm giấy thông hành để sang bên kia đi chợ, loanh quanh đến chiều lại về. Với riêng tôi chỉ nhớ có món bánh cuốn tuyệt ngon trong một quán hàng đông đúc giữa phố chính Hà Khẩu. Cũng như món bánh cuốn ở các phố thị Việt vùng ven biên giới, mà tôi không biết có học nhau về công thức hay không, bánh cuốn ở đây ngon sao mà ngon thế trong một buổi chiều Tết rét cắt da cắt thịt. Nước chấm được pha trộn với thịt băm ngào hành mỡ, bánh tráng mỏng tang nóng hôi hổi, mềm mịn trong bát chấm thơm phức kia. Cả món thạch đen nóng truyền thống của người Trung Quốc, cắt thành miếng to tướng và hơi đăng đắng. Mới thử thì khó ăn nhưng lâu dần thấy cũng ngon. Ngày Tết người mình xếp hàng sang Hà Khẩu, người Hà Khẩu lại lũ lượt sang mình. Người trên núi vun vén tiền bạc xuống tham quan đồng bằng, còn người dưới xuôi rủ nhau ăn Tết trên núi. Âu cũng là để thay đổi không khí.
Từ Lào Cai, xe “bò” chậm chạp trên những triền dốc quanh co chìm lỉm trong sương mù để leo lên thị trấn Sa Pa. Từ khu vực nhà thờ đi xuôi xuống dốc, thấy chợ Sa Pa vẫn nguyên như hơn 10 năm về trước, vẫn những cô gái Dao đỏ rực đứng chen chúc cùng các chàng trai người dân tộc Mông quần áo đen chàm, dưới chợ vẫn bán hoa bất tử tươi và những mẹt su su, ngồng cải biết chắc luộc lên sẽ ngọt lịm. Nhưng ngoài chợ ấy ra, cảnh sắc và không khí đã thay đổi nhiều. Các nhà hàng, quán bar, souvenir shop và khách sạn mọc lên, thiết kế rõ Tây. Có đoạn tưởng chừng đang đứng giữa thị trấn châu Âu nếu không thấy những bộ quần áo chàm qua lại rao bán các món đồ thổ cẩm. Từ một bãi cát hoang sơ (*), giờ vô khối người bỏ tiền đầu tư vào các hạng mục thu hút khách du lịch. Đầu tiên là những cửa hàng lưu niệm bán các sản phẩm làm bằng lụa và thổ cẩm với mức giá từ bình dân đến “cắt cổ”.
Tết ở Sa Pa vui. Thị trấn vẫn đông đúc nhộn nhịp hàng quán người xe như ngày thường. Khắp nơi ngập trong sắc đào phai. Cái cành đào thế đánh gốc từ Nhật Tân về ở nhà vẫn quý hóa, mang lên đây thì thấy phát ngượng. Sa Pa thừa đào. Chẳng cần đức cao vọng trọng, dân thường cũng có thể sở hữu một cành đào khủng nguyên gốc đánh từ trên núi, to chình ình hết cả gian khách. Trên những con đường phủ sương, trai gái bản tụ tập, vừa đi chơi, vừa buôn bán. Cảnh tượng các thổ dân mặc quần áo tua rua lúc lỉu với chiếc gùi sau lưng đi bộ kìn kìn qua những dãy phố Tây san sát quán bar, biệt thự là những hình ảnh độc nhất vô nhị chỉ có ở nơi này. Thảng hoặc người ta lại bắt gặp vài chàng trai Mông thổi khèn trong vũ điệu quay mòng mòng rất đặc trưng trước cửa nhà thờ.
Sa Pa có khá nhiều điểm đi lại như thác Bạc, cầu Mây, Cổng Trời. Gần có bản Cát Cát, vườn hoa Hàm Rồng, xa hơn chút nữa, nằm về phía Tây Nam có đỉnh Fansipan là một tour du lịch mạo hiểm mà không mấy ai dám khám phá vào thời tiết này. Với khí hậu tự nhiên như châu Âu, ngoài lợi thế nuôi cá hồi (loài cá chỉ sống được ở những vùng biển đóng băng), thì người Sa Pa còn trồng được cả một vườn lan vô cùng đắt giá. Ngày xưa đường lên Cổng Trời vắng tanh heo hút với vài đứa trẻ Mông phong phanh trong lớp áo chàm mỏng lang thang theo khách làm vui, giờ đông đúc người, đông đúc dịch vụ chụp ảnh, đồ lưu niệm, tắm lá thuốc, massage chân, cho thuê quần áo dân tộc Mông, Dao, Sa Phó để ghi hình...
Leo lên đỉnh Hàm Rồng để ngắm 400 loài hoa lan, người ta còn được tận hưởng luôn cảnh quan tuyệt đẹp của những cánh rừng thông, rừng samu, rừng đào, lê, mận... chen lẫn giữa sương mù và băng tuyết. Chỉ riêng cái lạnh thôi cũng lại là một “đặc sản” nữa của thị trấn sầm uất nhưng vô cùng lãng mạn này. Mùa đông, nhiệt độ âm của Sa Pa lôi kéo nhiều lữ khách thị thành lên đây chờ ngắm băng tuyết. Người chưa có cơ hội được ngắm tuyết trời Âu bao giờ thì nhìn tuyết Sa Pa ắt cũng hình dung ra được. Nhiều nhiếp ảnh gia áo tơi áo kép, ăn chực nằm chờ rồi cũng chớp được mấy bức ảnh độc đặc tả những cành cây khẳng khiu đóng băng vào buổi sớm, lấp lánh và huyền ảo đến nao lòng. Thực không may cho tôi, cả hai lần lên Sa Pa, nắng chẳng có, tuyết cũng không. Chỉ còn mỗi cái lạnh thấu vào tận trong xương. Giá rét nơi đô thị sẽ được xua đi tức thì nếu ta vội vã chui vào bốn bức tường ấm cúng sực hơi bếp. Lạnh nữa thì chui vào chăn mà ủ. Nhưng rét nơi này thật kinh hoàng. Ngồi trong sảnh thấy vẫn thênh thênh như đang chơ vơ giữa hẻm núi. Vào tận phòng, đóng cửa lại, đắp chăn lên người vẫn nghe sương giá từ đâu mò vào lẩn quất tận kẽ răng. Không lò sưởi thì nửa tiếng sau giường nệm còn lạnh như nước đá. Hơi ấm dần dần bị những ngọn núi quanh năm mây phủ rút kiệt khỏi cơ thể rồi thổi tan biến vào trong giá rét. Vì thế khách sạn “không sao” ở Sa Pa cũng phải được trang bị lò sưởi. Những ngôi nhà dưới bản Cát Cát không có lò sưởi điện thì đốt lò củi suốt cả mùa đông. Người Mông quanh năm tay “nhuốm chàm” vì bị thôi ra từ những bộ quần áo nhuộm bằng chất liệu truyền thống từ hàng bao thế kỷ, giờ còn bị ướp thêm khói củi và muội than thành ra lúc nào cũng đen nhẻm như bồ hóng.
Dưới chân núi Hàm Rồng, thẳng hướng dẫn lên nhà thờ đá có một cái chợ trời rất thú vị. Ấy là những gian bán đồ nướng quây tạm lúc nào cũng nghi ngút khói bốc lên từ những vỉ than củi. Trời rét cắt da cắt thịt như thế mà ngồi thu lu trong chợ đồ nướng chờ đợi người bán hối hả quạt than cho chín những món ăn đã chọn thực là một hạnh phúc tột đỉnh của những người ham mê ẩm thực. Người ta bán cơm lam nướng, trứng gà nướng, hạt dẻ nướng, cá nướng, thịt lợn rừng nướng, chim rừng nướng, khoai lang nướng... Thức gì cũng có thể nướng lên được. Gió cứ vù vù thốc xuống từ đỉnh núi, còn đây than hồng cứ hồng, sưởi ấm sực những gò má đã cóng lạnh. Đồ nướng được mang ra, xuýt xoa mà bóc mà tách, mà nhấm nháp hương vị vừa ngọt ngào, vừa đậm đà se sắt của núi rừng, có kèm thêm hũ rượu táo mèo cho ấm người nữa thì càng tốt. Thử hết một lượt các món nướng trong quán hàng thì cũng coi như xong bữa.
Trước khi rời thị trấn xinh đẹp này, tôi cũng thử một lần chui vào cái thùng gỗ ngâm nước lá đen sì của người Dao đỏ. Hơi lá thơm ngát bốc khói nóng rãy. Chẳng biết là những lá gì nhưng khi đứng lên cũng lảo đảo như người say thuốc. Thì lá đây là lá thuốc, tắm đều đặn sẽ có lợi cho sức khỏe, nhưng chủ hàng bảo người nào có bệnh về tim mạch, trẻ em, phụ nữ có thai, người già yếu thì không nên ngâm. Ngâm cũng chỉ có cữ 30 phút, ngâm lâu nữa thế nào cũng ngất luôn trong thùng gỗ. Giờ phiên bản “tắm lá thuốc người Dao đỏ” cũng đã di cư xuống các spa sang trọng ở Hà Nội rồi. Chẳng cần phải lên tận cao nguyên mới được ngâm lá thuốc.
Bữa lâu về Hà Nội, tôi lại nhìn thấy trên vỉa hè một khu chung cư sang trọng trong làng Quốc tế Thăng Long dựng chình ình cái biển “Đồ nướng Sa Pa”. Đang phóng xe vội vàng trong giá rét, tôi phanh kít lại rồi lò dò quay đầu, tần ngần đứng trước tấm biển mà ngó vào quán hàng “không bốc khói”, riết rồi thất vọng quay đi. Người Việt mình rất khôn ngoan trong chuyện buôn bán, hay copy phiên bản đặc sản ở xứ này rinh về xứ kia, nhưng trong vụ này thường thất bại. Tôi chưa bao giờ thấy ngon miệng khi thử phở Hà Nội, cao lầu Hội An ở Sài Gòn, hay bánh cuốn Lạng Sơn, bún cá Hải Phòng ở Hà Nội. Lần này cũng nhất định không muốn thử đồ nướng Sa Pa trên vỉa hè xi măng lộng gió của một tòa nhà cao tầng trong làng Quốc tế. Thôi thì đành nuốt thầm nước miếng mà hoài niệm.
Sa Pa nhớ
Trái tim mang những nỗi đau
Sao muốn đau thêm lần nữa
Có điều gì như vết cứa
Phải là nỗi nhớ em không?
Sa Pa giờ này cuối đông
Gió lùa có làm em lạnh
Đường phố bước cao bước thấp
Gập ghềnh nỗi nhớ ai không?

(*) Tên Sa Pa có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại là Sa Pả (bãi cát).