Tết Mậu Tuất: Nhiều bệnh viện “vỡ trận” vì các ca tai nạn giao thông và ngộ độc...

23-02-2018 07:06 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong những ngày Tết Mậu Tuất, nếu như tại BV Việt Đức quá tải nạn nhân cấp cứu tai nạn giao thông (TNGT) thì tại BV Bạch Mai ngày nào cũng phải tiếp nhận những ca tự tử do uống thuốc diệt cỏ paraquat...

Ghi nhận tại các BV tuyến cuối của Hà Nội, nhiều bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông, xơ gan, xuất huyết tiêu hóa có liên quan đến rượu bia trong dịp Tết Mậu Tuất vẫn ở mức cao.

60% ca TNGT, nhiều ca xơ gan, xuất huyết tiêu hóa vào viện cấp cứu do rượu, bia

Thông tin từ BV Việt Đức cho biết, số ca nhập viện vì TNGT tăng không nhiều (tăng khoảng 10%), song số ca bị chấn thương nặng do TNGT lại tăng đột biến. Đáng chú ý hơn, khoảng 60% số ca TNGT vào cấp cứu có sử dụng rượu, bia.

Do lượng bệnh nhân bị chấn thương nặng, chấn thương sọ não tăng rất cao so với ngày thường cũng như dịp Tết các năm trước khiến cho BV Việt Đức nhiều thời điểm rơi vào tình trạng “vỡ trận”. Chẳng hạn như ngày mùng 4 Tết vừa qua, BV tiếp nhận tới 92 ca chấn thương sọ não, nhiều ca đa chấn thương khác, các trường hợp này đều cần phẫu thuật ngay dẫn tới quá tải bởi toàn viện chỉ có 45 giường mổ.

Tết Mậu Tuất:  Nhiều bệnh viện “vỡ trận” vì các ca tai nạn giao thông và ngộ độc...Một ca cấp cứu do tai nạn giao thông.

BS. Vũ Văn Hà, Khoa Phẫu thuật tiết niệu - trực Khoa Cấp cứu BV Việt Đức sáng 20-2 (mùng 5 Tết) cho biết, bình quân mỗi ngày Tết, BV Việt Đức mổ cấp cứu khoảng trên 30 ca chấn thương nặng. Các bác sĩ, nhân viên y tế, các thiết bị phục vụ điều trị gần như được huy động tối đa.

BS. Nguyễn Thị Thu Hằng, Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, BV Việt Đức cho biết thêm, dịp Tết Mậu Tuất này, các bác sĩ vất vả nhất là cấp cứu những trường hợp TNGT do uống rượu, bia.

Theo BS. Hằng, khi theo dõi diễn biến bệnh nhân có rượu khó khăn hơn rất nhiều so với bệnh nhân không có nồng độ cồn trong máu cao, không uống rượu. Bởi vì khi nhập viện, bệnh nhân uống rượu rất kích thích, tri giác không tỉnh như bình thường, rất khó để biết tình trạng đó là do bệnh nhân uống rượu hay là do nguyên nhân tổn thương não gây nên. “Thông thường, chúng tôi phải chờ bệnh nhân sau 1-2 ngày tỉnh cơn rượu mới xác định được chính xác nguyên nhân”, BS. Hằng nói.

Tương tự, tại Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, chỉ trong những ngày qua cũng tiếp nhận gần 700 bệnh nhân. Sau khi cấp cứu, các kíp trực nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến các chuyên khoa trong BV hoặc chuyển tới BV lân cận để giảm tải. Trong số hàng trăm bệnh nhân nặng đang điều trị tại BV Bạch Mai, chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy cấp, men gan tăng cao và xơ gan.

Báo động 13 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ

Cũng tại BV Bạch Mai, TS. Nguyễn Tiến Dũng - Trung tâm Chống độc cho biết, trong 5 ngày Tết Mậu Tuất đã có 37 bệnh nhân bị ngộ độc được chuyển đến Trung tâm Chống độc, có ngày có đến 10 trường hợp ngộ độc được chuyển đến trung tâm. Trong số bệnh nhân này có 5 trường hợp ngộ độc rượu, 4 trường hợp ngộ độc ma túy tổng hợp, 3 trường hợp ngộ độc chất ăn mòn, 2 trường hợp ngộ độc thực phẩm, đặc biệt có 13 trường hợp ngộ độc thuốc diệt cỏ (paraquat)...

Đặc biệt đến thời điểm này, tất cả các ngộ độc rượu tại trung tâm đều không phát hiện ra hàm lượng methanol trong rượu.

“Tết năm nay số trường hợp ngộ độc paraquat tăng đáng kể so với các năm trước đó. Tính trung bình từ ngày mùng 1 đến mùng 4 Tết, trung bình 3 bệnh nhân ngộ độc paraquat nhập viện. Các trường hợp ngộ độc paraquat thường có nhiều lý do khác nhau như bức xúc chuyện gia đình, làm ăn thua lỗ, mâu thuẫn chuyện tình cảm” - TS. Dũng cho biết thêm.

Theo TS. Dũng, trước đây lọ paraquat thường có dung lượng khoảng 100ml. Nay có lọ to đến 450ml lít. Bệnh nhân ngộ độc paraquat thì 70% là tử vong và tùy thuộc vào người uống lượng bao nhiêu. Từ 50ml đã tử vong. Hiện nay, cả Việt Nam và thế giới cũng chưa có cách điều trị triệt để với các bệnh nhân uống parquat. Cách khử độc là rửa dạ dày, lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng kết quả rất hạn chế. Trường hợp nặng có thể tử vong trong 2-3 ngày, đa phần tử vong trong 5-7 ngày, thậm chí bệnh nhân tỉnh táo đến 3 tháng nhưng vẫn có thể chết do suy hô hấp. Đặc biệt, các bệnh nhân ngộ độc paraquat không thể thở ôxy, nếu dùng sẽ sản sinh ra chất độc hơn khiến phổi xơ nhanh hơn. Những trường hợp nặng có thể tử vong trong 2-3 ngày, đa phần tử vong trong 5-7 ngày, thậm chí bệnh nhân tỉnh táo đến 3 tháng nhưng vẫn có thể tử vong do suy hô hấp.

Đã cấm nhưng vẫn có gần 200 trường hợp cấp cứu do pháo nổ

Báo cáo về công tác y tế dịp Tết Mậu Tuất của Bộ Y tế gửi Văn phòng Chính phủ cho biết, trong những ngày Tết, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ; thực hiện khám, cấp cứu cho 218.131 trường hợp, nhập viện điều trị nội trú 142.942 trường hợp, chuyển viện 12.190 trường hợp, thực hiện 14.079 ca phẫu thuật, trong đó 405 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não (do các nguyên nhân).

Trong 6 ngày Tết Mậu Tuất, các cơ sở y tế trên toàn quốc đã thực hiện đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón thêm 19.062 trẻ chào đời. Cũng theo Bộ Y tế, Tết Mậu Tuất số lượng bệnh nhân nhập viện do TNGT tăng cao trong ngày mùng 3-4 Tết. Tổng số khám, cấp cứu do TNGT tại các cơ sở y tế là 37.376 trường hợp. Tuy nhiên, số lượt nhập viện điều trị nội trú là 12.630 trường hợp, tăng 12,8% so với 6 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017. Tổng số trường hợp tử vong do TNGT (bao gồm cả tử vong trước khi đến BV) là 168 trường hợp, giảm 7 so với 175 trường hợp trong 6 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017.

Cũng trong dịp Tết Mậu Tuất, các cơ sở y tế trong cả nước ghi nhận 197 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, có 75 trường hợp nhập viện do chất nổ khác, không có ca tử vong.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, trong 6 ngày Tết Mậu Tuất, tổng số ca khám rối loạn tiêu hóa là 3.075 trường hợp, trong đó 810 trường hợp là ngộ độc (say) rượu (chiếm 26,3%). Trên toàn quốc không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra và trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các bữa tiệc đông người. Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp rối loạn tiêu hóa, say rượu được ghi nhận tại các cơ sở điều trị, ghi nhận 468 trường hợp do ngộ độc thức ăn tự chế biến.

Về tình hình dịch bệnh trong dịp Tết Mậu Tuất, báo cáo của Bộ Y tế cho biết không ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, cúm A/H5N6 trên người, không ghi nhận trường hợp dương tính với virut Zika. Tuy nhiên, báo cáo từ các cơ sở y tế đã ghi nhận 100 trường hợp mắc tay-chân-miệng, 168 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp mắc liên cầu lợn, 6 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (tại Hà Nội, Hưng Yên và TP. Hồ Chí Minh), ghi nhận 2 trường hợp viêm màng não do mô cầu, 1 trường hợp ho gà, 4 trường hợp viêm não virut...


Thái Bình
Ý kiến của bạn